UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt dự án đầu tư thu mua vận chuyển thủy sản tươi sống xuất khẩu. Đây là lần đầu tiên, thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa được xuất khẩu chính ngạch, mở ra hướng đi bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh Khánh Hòa là vùng chuyên nuôi cá mú, tôm hùm, với sản lượng khoảng 1.000 tấn tôm hùm và 500 tấn cá mú mỗi năm. Tuy vậy, từ trước đến nay, cá mú, tôm hùm sống đều lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên  đầu ra bếp bênh, thường xuyên bị ép giá.

images884149_ca_mu.jpg
Cá mú được vận chuyển bằng tàu thông thủy đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Khanhhoa online)

Mặt khác do vận chuyển thủy sản sống, lại đi đường bộ, đường hàng không qua nhiều khâu trung chuyển nên giá thành bị đẩy lên cao, làm mất lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thủy sản Phúc Minh lập dự án đưa cá mú, tôm hùm sống xuất khẩu chính ngạch.  

Ông Trần Đại Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Phúc Minh cho biết, công ty này sẽ chịu trách nhiệm  thu mua cá mú, tôm hùm của ngư dân và  xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Xuất khẩu thủy sản chính ngạch theo đơn hàng, khi có hợp đồng người nuôi trồng sẽ được thanh toán, điều kiện chắc chắn không như xuất khẩu tiểu ngạch thường rất bấp bênh, lượng hàng không đều đặn. Bên cạnh đó, qua phương thức này, địa phương chủ động nắm bắt được thị hiếu, thị trường trong khu vực để làm cơ sở, căn cứ báo giá với đối tác. Đồng nghĩa với đó, các đối tác thu mua cũng phải có chính sách chặt chẽ làm sao để ngư dân tiếp tục bán sản phẩm cho mình trong những năm tiếp theo”, ông Dũng cho biết.

Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa cho biết, tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch thủy sản như hiện nay vừa gây khó khăn trong quản lý vừa gây bất lợi cho người nông dân vì phụ thuộc đầu ra. Xuất khẩu chính ngạch hải sản sống sẽ giúp nghề nuôi hải sản của ngư dân phát triển bền vững. Các mặt hàng cá mú, tôm hùm có đặc thù là xuất khẩu sống nguyên con sẽ có giá trị cao hơn nhiều lần so với xuất khẩu đông lạnh.

Cũng theo Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa, trước khi xuất khẩu, cá mú, tôm hùm sẽ được lưu giữ trong các bè trên vịnh để quen với môi trường nước mới. Sau đó, sẽ được bốc dỡ đưa lên tàu thông thủy (dạng tàu 2 đáy) để xuất khẩu. Chiếc tàu này sẽ như một chiếc bè nổi nên trong quá trình vận chuyển cá, tôm vẫn sống nhờ quá trình trao đổi nước.

Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện bình quân mỗi tháng có khoảng 22 tấn cá mú nuôi của ngư dân được xuất khẩu chính ngạch.

“Sản phẩm thủy sản xuất khẩu theo đường tiểu ngạch như trước kia luôn gặp bất lợi ở nhiều mặt, đơn hàng biến động không được báo trước cho người dân chủ động, không biết ai là người sẽ mua và mua ở mức giá nào, lúc nào. Xuất khẩu chính ngạch quan trọng nhất là có đầu ra, giá cả ổn định sẽ khiến cho người nuôi trồng thủy sản yên tâm sản xuất, đảm bảo thu nhập phục vụ tốt cho đời sống người dân.”, ông Lăng chia sẻ./.