Tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương triển khai tốt các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Từ tháng 10/2018 đến nay, không có tàu cá nào của Khánh Hòa vi phạm vùng biển nước ngoài.
Sau 5 năm Ủy ban Châu Âu rút “thẻ vàng” cảnh cáo về khai thác hải sản bất hợp pháp, tỉnh Khánh Hoà đã nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Đến nay, hầu hết ngư dân trong tỉnh nhận thức được khai thác IUU là hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản.
Các chủ tàu, thuyền trưởng tuân thủ nghiêm việc khai báo khi tàu rời cảng, cập cảng lên cá, mang đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ, trang thiết bị an toàn hàng hải, thiết bị khai thác khi cho tàu vươn khơi.
Việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá đã có hiệu quả, hồ sơ xác nhận, chứng nhận được lưu trữ khoa học, đảm bảo việc truy xuất nhanh chóng, chính xác.
Ông Nguyễn Văn Nhớt, thuyền trưởng tàu BV 99432 TS vừa cập cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang bán cá cho biết: “Ra biển đánh bắt ngày nào cũng ghi nhật ký. Khi tàu chạy vào đây phải điện trước 5-6 giờ đồng hồ, báo cảng rồi mới vào cảng được".
Tỉnh Khánh Hòa hiện có gần 3.200 tàu cá, trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác xa bờ gần 700 chiếc. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh không ghi nhận tình trạng tàu cá vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết, đơn vị đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, tập huấn cho chủ tàu cá, ngư dân. Khi có dấu hiệu vi phạm, Ban Quản lý cảng sẽ lập hồ sơ, thủ tục để gửi sang các cơ quan chức năng như Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản xác minh và kịp thời xử lý để không xảy ra các vi phạm về khai thác IUU.
"Ban Quản lý Cảng phối hợp với Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho bà con về khai thác IUU, đến thời điểm này, nhìn chung đa phần bà con đã ý thức được việc cập cảng phải làm những nội dung gì. Ví dụ như khai báo trước một giờ, ghi nhật ký khai thác, khai thác sản lượng, cảng cũng rất tạo điều kiện cho bà con trong xuất nhập cảng" - ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết.
Xác định tháo gỡ “thẻ vàng” không chỉ giúp hàng thủy sản Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang các nước mà còn góp phần quan trọng để hoạt động nghề cá của tỉnh phát triển bền vững. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành tại tỉnh Khánh Hòa. Đoàn Kiểm tra đánh giá, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục như 15 tàu cá có chiều dài 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 58 tàu cá chưa gia hạn, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá; nhiều tàu cá tạm ngưng kết nối dịch vụ giám sát tàu cá nên gây khó khăn trong công tác quản lý đội tàu…
Tỉnh Khánh Hòa đang mở đợt tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các chủ tàu, ngư dân trên địa bàn về chống khai thác IUU, không để xảy ra tình trạng ngư dân vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị, ngư dân cần chấp hành tốt các quy định chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo. Theo ông, cần sớm khắc phục những tồn tại, đặc biệt, tại địa phương tổ chức triển khai thực hiện, cũng như kiểm tra, giám sát, rà soát, hướng dẫn tuyên truyền phổ biến cho bà con ngư dân. Chủ tàu, thuyền trưởng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về thủy sản, khai thác đúng quy định pháp luật thì việc gỡ cảnh báo thẻ vàng sẽ rất dễ dàng./.