Làng nghề du lịch Trường Sơn ở phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa được mở cửa, rộng gần 2 hecta. Làng nghề này có các khu như: trưng bày sản phẩm, sáng tác nghệ thuật, trình diễn các nghề thủ công, ẩm thực, cây xanh... Hiện nay, Làng nghề Trường Sơn trưng bày và giới thiệu nhiều nghề thủ công truyền thống và đương đại của xứ Trầm Hương như: đan song mây, đan tre, dệt chiếu, mộc mỹ nghệ, đan lưới, nghề gốm… Đây là một trong số ít các điểm tham quan được mở cửa, đưa vào hoạt động trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.

“Phải có hy vọng thì mới làm, cứ đóng cửa miết thì cây, bông, hoa, cây cảnh nó xuống cấp, khó đi nữa cũng phải mở cửa để duy trì chỗ này. Nha Trang cũng bán hàng lưu niệm nhưng hàng lưu niệm toàn lấy chỗ khác, mong muốn của mình sẽ làm tại đây, bán hàng do mình làm ra, mang phong cách Nha Trang. Sắp tới, dịch sẽ qua, muốn kiếm lợi nhuận trong giai đoạn rất này rất khó”, ông Lê Văn Luật, chủ đầu tư Làng nghề du lịch Trường Sơn cho biết.

Sau một thời gian “đóng băng”, đến nay, nhiều nhà đầu tư khởi động các dự án tại tỉnh Khánh Hòa. Ngoài các dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, Cao tốc Bắc- Nam đoạn Nha Trang- Cam Lâm, đường Vành đai 2, đường tỉnh lộ 3, cầu kết hợp đập ngăn mặn trên Sông Cái Nha Trang… cùng nhiều dự án quy mô nhỏ và vừa cũng được triển khai tại các khu, cụm công nghiệp. Đơn cử như Cụm công nghiệp Trảng É 1, ở huyện Cam Lâm, gần 1 năm qua, đã thu hút được 8 nhà đầu tư thứ cấp đến thuê đất, xây dựng công trình, lấp đầy được 80% trong tổng diện tích hơn 20 hecta của Cụm công nghiệp.

Ông Phan Hoài Phương, Giám đốc Công ty Bất động sản Khatoco cho biết, doanh nghiệp đang kêu gọi các nhà đầu tư, phấn đấu đến cuối năm nay, Cụm công nghiệp Trảng É 1 sẽ được lấp đầy. Đồng thời, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Cụm công nghiệp Trảng É 2, để di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nội thành Nha Trang ra khu vực này.

“Thuận lợi hiện nay của Cụm Công nghiệp Trảng É là UBND tỉnh đã khởi công đường Tỉnh lộ 3, tín hiệu khởi sắc kêu gọi nhà đầu tư vào Cụm Công nghiệp. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng của Cụm Công nghiệp Trảng É 2 cũng đang gặp nhiều vướng mắc, các ngành đang tháo gỡ. Để có mặt bằng sạch để Công ty Bất động sản Khatoco triển khai thực hiện đồng bộ hạ tầng, mới có kinh doanh, kêu gọi đầu tư”, ông Phan Hoài Phương cho hay.

Năm 2020, Khánh Hòa là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hơn 93%, từ chỗ là địa phương bị Thủ tướng phê bình, Khánh Hòa đã vươn lên, trở thành điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công. Năm nay, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu giải ngân gần 3.800 tỷ đồng vốn đầu tư công. Các dự án đầu tư công không chỉ giải quyết vấn đề vật liệu, nhân công mà còn tạo ra các công trình đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, bên cạnh công tác thu xếp vốn, giải phóng mặt bằng, việc kiểm soát giá vật liệu xây dựng cũng là một giải pháp để đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình. “Kiểm soát giá vật liệu các loại, đặc biệt là đất, đá, sỏi, sạn, cát san lấp. Lực lượng quản lý thị trường, Thanh tra kiểm tra các mỏ vật liệu, làm sao giá thông báo ở các Sở và giá bán thực tế ở ngoài phải đúng. Tỉnh mình trong nhiệm kỳ này có rất nhiều công trình trọng điểm cũng nên có kiểm soát”, ông Nhân nói.

Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năm ngoái, nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa suy giảm hơn 10%, quý 1 năm nay tiếp tục giảm hơn 3%. Bên cạnh các chỉ số tăng như: sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa- dịch vụ, thu ngân sách nhà nước… nhiều chỉ số tiếp tục sụt giảm như: kim ngạch xuất khẩu, doanh thu và số lượng khách du lịch. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh Khánh Hòa đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn đà suy giảm, tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm nay, Khánh Hòa đặt mục tiêu phải có tăng trưởng dương, tỉnh đang quyết liệt triển khai 5 giải pháp, đó là: Tập trung giải ngân đầu tư công các dự án trọng điểm; Thúc đẩy sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế như thủy sản, đóng tàu, dệt may, thuốc lá; Kích cầu tiêu dùng, để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; Tập trung khai thác nguồn thu thuế, đặc biệt là từ đất, đá phục vụ các dự án, quyền sử dụng đất, giảm các khoản chi không cần thiết, dành ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội.

“Khắc phục, tháo gỡ những dự án đang gặp khó khăn do thanh tra, kiểm tra, tạo nên một thị trường bất động sản ổn định, phát triển. Đây cũng là nguồn thu khá tốt. Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tinh đang tập trung kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp, làm sao tổng mức đầu tư ngoài ngân sách là năm nay phải hơn năm trước”, ông Nguyễn Tấn Tuân nêu ý kiến./.