Theo Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định, du lịch giảm sút thì kéo theo nhiều ngành dịch vụ khác giảm sút. Khách du lịch không đến thì hàng hóa tiêu dùng không tiêu thụ được, vận tải cũng không tăng trưởng.
“Chúng tôi có hàng nghìn xe vận tải lớn, hàng nghìn tàu biển vận tải khách nhưng đều năm một chỗ. Khánh Hòa có hơn 50.000 phòng khách sạn, do suy giảm về du lịch, doanh thu giảm đến hơn 70%, đánh tụt tăng trưởng của tỉnh, thu ngân sách giảm mấy nghìn tỷ” – ông Định nói.
Tại sao Khánh Hòa bị tăng trưởng thấp như vậy? Do du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó các ngành khác cũng có (công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển) nhưng tỷ trong du lịch chiếm tương đối lớn. Vì vậy phải phát triển các ngành khác và công nghiệp công nghệ cao để có sự tương quan nhất định với nhau, không quá phụ thuộc vào một ngành. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, trong chủ trương, đường lối của tỉnh cũng đã có rồi. Chúng tôi đang tập trung xây dựng 3 vùng kinh tế trọng điểm trong đó khu vực Vân Phong là khu vực trọng điểm sẽ đầu tư công nghệ cao, cảng biển, trung chuyển quốc tế, thương mại, dịch vụ, công nghiệp… Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và cân đối tỷ trọng các ngành hơn.
Khu Kinh tế Bắc Vân Phong đã “ngủ đông” cả chục năm
Khu kinh tế Vân Phong được chia thành Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong. Nam Vân Phong đã có rất nhiều nhà đầu tư vào hoạt động còn khu vực Bắc Vân Phong vẫn gần như bỏ không từ năm 2012 đến nay.
Trong chuyến công tác khảo sát khu vực Bắc Vân Phong mới đây, ông Nguyễn Khắc Định – Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa rất sốt ruột nói rằng: “Nhìn tiềm năng đất đai bị bỏ phí suốt từ năm 2012 đến nay xót xa lắm. Mỗi người phải thấy trách nhiệm của mình vì chậm một tý là thiệt một tý”.
Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, đến nay, khu vực bắc Vân Phong thu hút được 61 dự án (trong đó, 38 dự án đã đi vào hoạt động và 23 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 11.659 tỷ đồng, vốn thực hiện gần 2.000 tỷ đồng. Các dự án có quy mô lớn đang triển khai xây dựng như: Cảng tổng hợp bắc Vân Phong (417 tỷ đồng), Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm (3.742 tỷ đồng), Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh (2.489 tỷ đồng). Những dự án đã đi vào hoạt động tại khu vực này chủ yếu là các dự án về du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng và nuôi trồng thủy sản với quy mô đầu tư không lớn, chủ yếu thu hút từ trước năm 2012.
Xác định Khu kinh tế Vân Phong là đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng ông Hoàng Đình Phi - Trưởng BQL KKT Vân Phong đề xuất 5 ngành nghề ưu tiên gồm du lịch, công nghiệp thủy sản, hậu cần cảng, năng lượng và đóng tàu. Ngoài ra có đô thị, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình tích hợp các ngành nghề phải được chú ý để phát triển đồng bộ, không phá vỡ hệ sinh thái vịnh Vân Phong.
Trên địa bàn KKT Vân Phong, hiện có một số dự án công nghiệp với quy mô lớn đã và đang triển khai như dự án nhà máy đóng tàu của công ty TNHH đóng tàu Hyundai Việt Nam đã đi vào hoạt động với tổng vốn khoảng 250 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động; dự án nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện mặt trời KN Vạn Ninh với tổng vốn 2.489 tỷ đồng, đã xây dựng xong, chuẩn bị vào hoạt động; dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 của Công ty TNHH Điện Lực Vân Phong với tổng vốn 2,58 tỷ USD, hiện đang xây dựng, đã giải ngân khoảng 645 tỷ đồng, dự kiến năm 2024 sẽ đi vào vận hành thương mại.
Nghiên cứu việc lấn biển tăng quỹ đất cho công nghiệp
Ông Hoàng Đình Phi cho biết: Khi nghiên cứu lập quy hoạch KCN, KKT, Ban Quản lý và đơn vị tư vấn cố gắng tìm kiếm vị trí phù hợp để quy hoạch các KCN và các phân khu chức năng công nghiệp tại KKT để vừa mang lại hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động đến môi trường. Nghiên cứu xây dựng các KCN tiếp nhận các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm. Đồng thời, các dự hạ tầng KCN trước khi đi vào hoạt động đều phải có có khu xử lý chất thải riêng biệt và việc thu hút đầu tư vào KCN, KKT phải tuân thủ đúng quy hoạch, bảo đảm về môi trường.
Còn Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định yêu cầu UBND tỉnh, BQL KKT Vân Phong đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong giai đoạn 2021 - 2030; lưu ý đến vấn đề mở rộng ra phía biển, khu vực nào nhiều bãi bồi, bùn lầy có thể lấn biển được thì nghiên cứu lấn biển nhằm tăng quỹ đất; phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Đối với đề án cơ chế chính sách đặc thù cho KKT Vân Phong, tỉnh sẽ đề xuất với Chính phủ cho Vân Phong hưởng ưu đãi như các KKT ven biển Phú Quốc, Vân Đồn, Nhơn Hội, Dung Quất…
“Qui hoạch chung của cả khu kinh tế Bắc Vân Phong hiện nay đang nghiên cứu và dự kiến phấn đấu trình Chính phủ phê duyệt vào quý 3/2021, cùng với cơ chế, chính sách đặc biệt” – ông Nguyễn Khắc Định nói.
Cùng với đó, ông Nguyễn Khắc Định yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp và kinh tế biển. “Lâu nay, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng quá cao trong cơ cấu kinh tế nhưng dễ bị tác động. Hiện nay, bên cạnh vẫn giữ vững phát triển du lịch, tỉnh phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp cao hơn trong cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững” – ông Nguyễn Khắc Định nói./.