Lễ hội “Tự hào hàng Việt Nam-Tinh hoa hàng Việt Nam” đã chính thức khai mạc vào tối nay (29/10) tại Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Lễ hội là 1 trong những hoạt động trọng tâm của Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2022, thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021.

Với thông điệp Xây dựng hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam, Lễ hội “Tự hào hàng Việt Nam-Tinh hoa hàng Việt Nam” năm nay có nhiều điểm mới khi có hàng loạt các hoạt động gắn kết các các DN lớn, DN đầu mối với các DN vừa và nhỏ, HTX, hộ nông dân tạo ra hệ sinh thái cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Với sự góp mặt của gần 100 đơn vị đến từ các tập đoàn sản xuất, phân phối lớn tới các HTX, hộ sản xuất nhỏ miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã đem đến Lễ hội những sản phẩm tinh hoa hàng Việt phong phú, đa dạng.

Tại buổi lễ, Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương, các DN đã cùng bấm nút phát động phong trào “Xây dựng hệ sinh thái cộng đồng DN sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam”.       

Phát biểu khai mạc Lễ hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, dịch Covid-19 và biến động của tình hình địa chính trị đang diễn ra trên quy mô toàn cầu càng chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, trong khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, khi nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm nhưng các hoạt động bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế Việt Nam khỏi những biến động từ bên ngoài. Trong nhiều chỉ số kinh tế, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam được duy trì vững chắc, được phát huy từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ 13 năm trước đây.

“Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trong giai đoạn mới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo và các địa phương trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong ngành nhằm truyền cảm hứng đến xã hội về một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Dự Lễ khai mạc, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, Chương trình năm nay không chỉ là hoạt động thiết thực hưởng ứng và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, còn có ý nghĩa quan trọng hơn là tiếp tục khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân, khẳng định vai trò, năng lực sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam cũng như sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh các giải pháp kích cầu để góp phần định hướng, thúc đẩy các DN phát triển trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra trên diện rộng.

“Thông qua các Chương trình “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã thực hiện tốt vai trò phổ biến, quảng bá các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng. Chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức mạnh mẽ của người tiêu dùng theo hướng ngày càng tin yêu hàng nội địa, và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các DN Việt Nam trong chinh phục người tiêu dùng Việt Nam với hơn 90 triệu dân”, bà Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.

Tại Lễ hội, 1 du khách đến từ Australia hào hứng chia sẻ, phong cách giới thiệu và quảng bá hàng hóa Việt Nam rất ấn tượng. "Chúng tôi đến Việt Nam, lưu trú tại Hà Nội không chỉ biết Hà Nội có 36 phố phường mà còn biết đến nhiều sản phẩm độc đáo, chất lượng cao. Trong thời gian ở Hà Nội, hy vọng, tôi và các bạn sẽ được trải nghiệm hết những sản phẩm này”, du khách nói.

Tương tự, du khách đến từ Thừa Thiên Huế cũng nhận xét, cách quảng bá các sản phẩm rất lôi cuốn khiến người xem tự hào về quê hương, đất nước. “Đến các gian hàng tôi tự hào Thừa Thiên Huế là “Sắc tím mộng mơ - Nên thơ tà áo”; Khánh Hòa là “Xứ sở trầm hương - Rì rào biển hát”; Quảng Ngãi là “Sóng xô ghềnh đá - Biển trời mênh mông”; Quảng Bình là “Đến động Phong Nha - Xuống thuyền sông Son”; hay Tiền Giang là “Cảnh trí mĩ miều - Dập dìu sông nước”... Các sản phẩm trưng bày đã khắc hoạ nét đẹp văn hóa vùng miền của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam từ Bắc đến Nam, tôn vinh tinh thần đoàn kết dân tộc, kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, du khách này tâm sự.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị từ năm 2009, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; động viên các DN sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức giải quyết những khó khăn, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Trong 13 năm qua, được sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội DN, Bộ Công Thương với vai trò là một trong các cơ quan nòng cốt trong triển khai Cuộc vận động đã luôn vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam và hỗ trợ, vận động DN tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao. Do đó, tỷ trọng hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối hiện đại trong nước đã đạt từ 80% - 90% và trên 60% tại các chợ truyền thống./.