Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn trước quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý.
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, phương án đề xuất là sẽ đánh thuế 45%, nhưng đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt, còn nếu có dấu hiệu vi phạm thì vẫn phải xử lý hình sự.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (Ảnh: Enternews) |
Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất hai phương án (thu thuế 45% và xử phạt vi phạm hành chính) như dự thảo nêu ra để khắc phục những vướng mắc về pháp lý, vì không thể tịch thu tài sản và thu nhập khi nhà nước không thể chứng minh được tài sản và thu nhập đó có được do hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt chứ không loại trừ việc xử lý hình sự, tịch thu tài sản và thu nhập đối với người kê khai nếu cơ quan chức năng chứng minh được tài sản kê khai là không trung thực, tài sản tăng thêm mà người giải trình không chứng minh được một cách hợp lý và có hành vi phạm tội.
Về cơ sở đưa ra mức áp thuế 45% với tài sản không thể giải trình, ông Lê Minh Khái cho hay, sở dĩ dự thảo đưa ra mức thuế này vì theo quy định hiện hành pháp luật về thuế thu nhập cá nhân thì mức thuế cá nhân cao nhất là 20% (thu nhập vãng lai). Đồng thời nếu trốn thuế, mức phạt sẽ gấp 1-3 lần tiền thuế phải nộp. Vì vậy Chính phủ để xuất mức thuế trung bình là 15% cộng với mức thuế phạt bằng 2 lần thuế phải nộp tức 30%, như vậy tổng cộng là 45%, và đề xuất này được Bộ Tài chính ủng hộ.
Trước đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng, kiểm soát tài sản – thu nhập một cách khách quan, độc lập, ông Lê Minh Khái giải trình: Trong thời gian qua, thực tế mô hình cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập phân tán là nguyên nhân dẫn đến việc kê khai còn hình thức, nên hiệu quả còn hạn chế. Vì vậy Chính phủ đã đề xuất hai phương án và lựa chọn phương án một là giao cho thanh tra nhà nước thực hiện chức năng là cơ quan kiểm soát tài sản.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, ưu điểm của phương án này là khắc phục căn bản tính hình thức trong kê khai tài sản, thu nhập; không làm phát sinh bộ máy mới cũng như biên chế kèm theo; nâng cao hiệu quả xác minh tài sản, thu nhập trên cơ sở đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống tham nhũng…
Tuy nhiên, ông Khai thông tin thêm, cũng có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập mới cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản và thu nhập trên cơ sở sắp xếp, bố trí lại nhân sự từ các đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng như Thanh tra Chính phủ, Viện KSND tối cao, Bộ Công an…
"Chính phủ sẽ tiếp thu để hoàn thiện cơ quan kiểm soát tài sản, đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng nhưng không làm phát sinh thêm tổ chức, biên chế", Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh./.Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc: "Cứ băn khoăn thì giải quyết gì"