Trong bài phát biểu mới đây tại Viện nghiên cứu SAIS tại Washington, Mỹ trước thềm cuộc họp Mùa xuân 2014 giữa Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (World Bank), bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định: “Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn chậm và bấp bênh; do đó các quốc gia cần phải thay đổi cơ cấu để hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.”

_73986939_73986934.jpg
TGĐ IMF Lagarde kêu gọi các quốc gia cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu (Ảnh: Reuters)

TGĐ IMF Lagarde cũng chỉ ra một vài xu hướng hiện nay trong nền kinh tế toàn cầu và lưu ý rằng, hoạt động kinh tế tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản đang phục hồi nhưng cần phải tăng tốc hơn nữa.

Nhiều thách thức mới

Tỷ lệ tăng trưởng tại các thị trường mới nổi mặc dù còn chậm nhưng lại là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt là các quốc gia mới nổi châu Á được xem là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng tại các nước châu Phi khu vực cận Sahara cũng được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng mạnh.

TGĐ IMF cảnh báo rằng có một số trở ngại ngắn hạn trong quá trình tiến đến sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững bên cạnh những trở ngại cũ bao gồm kết thúc chương trình cải cách lĩnh vực tài chính; giải quyết nợ xấu và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao.

Cụ thể, bà Lagarde nêu rõ những thách thức mới như rủi ro lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. “Hiện có một mối nguy mới mà tôi gọi là "lạm phát thấp", nhất là ở khu vực đồng euro," bà cho biết.

Theo bà Lagarde, nguy cơ lạm phát thấp trong thời gian dài có thể kiềm chế nhu cầu cũng như sản lượng, cản trở tăng trưởng và việc làm.

Ngoài ra, bà cũng chỉ ra những thách thức khác như biến động thị trường gia tăng và căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Các quốc gia cần hành động mạnh mẽ hơn nữa

Đặc biệt, TGĐ IMF nhận định nền kinh tế toàn cầu nhìn chung đang có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, nếu thiếu "những chính sách táo bạo và hiệu quả, thế giới có thể sẽ rơi vào bẫy tăng trưởng thấp đến trung bình".

Bà kêu gọi chính phủ các nước thúc đẩy cải cách thị trường lao động và khuyến khích tạo việc làm, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công vào hệ thống giao thông cũng như mạng lưới thông tin ở những quốc gia phát triển và đang phát triển.

TGĐ Lagarde cũng nhắc đến kế hoạch của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc cắt giảm gói kích thích kinh tế. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi song nó lại làm ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi. Theo đó, các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường này để đầu tư ngược về các nước phát triển với hy vọng sẽ hưởng lợi từ mức lãi suất cao hơn.

Bà Lagarde nhấn mạnh, giới lãnh đạo các nước cần có sự  hợp tác chặt chẽ hơn cũng như cần có hành động mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế ảnh hưởng từ những thay đổi trong chính sách của FED.

Trong cuộc họp tại Úc vào tháng 2, bà Lagarde lưu ý rằng, các tổ chức lớn như G20 – gồm 20 nước công nghiệp và mới nổi - có thể giúp nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng thêm 2% trong vòng 5 năm tới./.