Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là những mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội với bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đòi hỏi nguồn lực rất lớn

Tại Hội nghị quốc tế “Tăng cường hợp tác với các Quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tăng trưởng bền vững” do Bộ Ngoại giao; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phối hợp tổ chức ngày 25/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN nêu rõ, triển khai Chiến lược trên, Ủy ban đang xây dựng và thực hiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển DN thuộc phạm vi quản lý.

Trong đó, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển các tập đoàn, tổng công ty gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, Ủy ban thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển DN. Ưu tiên phát triển/hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ số, công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

“Việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết nhưng cũng sẽ đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn cho việc triển khai các dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở…. Do vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho việc thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngoài nguồn lực quan trọng của các DN trong nước, việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết”, ông Nguyễn Hoàng Anh chỉ rõ.

Từ thực tế địa phương, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng cho biết, để đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và đáp ứng kỳ vọng của DN, nhà đầu tư và nhân dân, TP Hải Phòng tiếp tục nỗ lực đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực và các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, thân thiện môi trường, quản trị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên; phát triển các trung tâm logistics lớn và lu lịch.

“Với những tiềm năng, lợi thế hiện có của Hải Phòng và với sự quyết tâm của các cấp chính quyền, thành phố Hải Phòng tiếp tục định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam nói chung và tại TP Hải Phòng nói riêng, đưa Hải Phòng không ngừng phát triển nhanh, bền vững”, ông Quân mong muốn.

Những lợi thế tài chính cần tận dụng

Chỉ ra những đòi hỏi cấp thiết về nguồn lực tài chính cho trong thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, bà Carolyn Turk, Giám đốc World Bank Việt Nam nêu rõ, việc cân bằng giữa các mục tiêu phát triển với những rủi ro khí hậu của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải có nguồn tài chính quy mô lớn. Riêng các khoản đầu tư vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam sẽ vào khoảng 17 tỷ USD/năm, trong khi lĩnh vực đầu tư cần khoảng 10 tỷ USD/năm. Nhu cầu này nếu chỉ căn cứ vào thị trường vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng được, nên cần có sự kết hợp đồng bộ của các nguồn lực công - tư; các nguồn lực ưu đãi nước ngoài để tạo điều kiện về mặt kỹ thuật cũng như tài chính cho một lộ trình phát triển mới ở Việt Nam.

“Quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải gắn được các cam kết về khí hậu với các dự án xanh hữu hình và khả thi về tài chính; Quá trình cải cách đối tác công – tư cần có sự linh hoạt hơn trong đóng góp của Chính phủ, phân bổ rủi ro hợp lý để cải thiện khả năng vay vốn ngân hàng cũng như tận dụng được tiềm năng huy động vốn tư nhân. Các dự án phải có sự hỗ trợ công từ các DN Nhà nước để giảm thiểu rủi ro, là cơ sở để huy động các khoản đầu tư tư nhân lớn cho quá trình chuyển đổi. Những quá trình này sẽ không thể thực hiện được nếu như không có sự lãnh đạo của Chính phủ, bao gồm cả các DN Nhà nước”, bà Carolyn Turk chỉ rõ.

Huy động các nguồn lực từ bên ngoài hiệu quả kết hợp với các nguồn lực trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững là mục tiêu, yêu cầu nhất quán và cấp thiết của Chính phủ Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, nhằm phục vụ các mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các DN Nhà nước, tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Đây vừa là vấn đề cấp thiết khi Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vừa là vấn đề chiến lược nhằm nâng cao năng suất, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

“Với quyết tâm mạnh mẽ đó, Việt Nam là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố của một điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư và nguồn vốn xanh và bền vững của các Quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính quốc tế. Đó là lợi thế của một nền kinh tế phục hồi ổn định sau dịch Covid-19, môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng thuận lợi với lực lượng lao động có sức trẻ, sức sáng tạo và khả năng thích nghi cao. Nhất là khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, thực chất vào kinh tế khu vực và toàn cầu, có tiềm năng trở thành một trung tâm kết nối các chuỗi cung ứng và một mắt xích quan trọng của các Hiệp định FTA có quy mô lớn nhất thế giới như CPTPP, RCEP…”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định./.