Xoay sở tìm kiếm nguồn vốn
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có 64.081 tổ hợp tác (THT) phi nông nghiệp; 23 Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp; 8.744 HTX phi nông nghiệp. Kinh tế hợp tác, thời gian qua đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm. Những mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả hoạt động tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho lao động trên cả nước. Cùng với sự phát triển về quy mô cũng như chất lượng của các HTX phi nông nghiệp thì nhu cầu về vốn vay tăng nhanh để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tính đến nay, tổng số có 5.730 lượt HTX phi nông nghiệp và 607 lượt THT và thành viên HTX phi nông nghiệp được vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX các cấp. Tổng doanh thu cho vay là trên 6.000 tỷ đồng, tổng dư nợ các Quỹ hỗ trợ là 1,3 tỷ đồng (tính đến 31/12/2017). Lãi suất cho vay trung bình là 5,4%. Trong giai đoạn 2013 - 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tạo điều kiện cho 5.207 HTX được hưởng ưu đãi về tín dụng cho vay tín chấp với tổng dư nợ là 281.403 triệu đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù Đảng, Nhà nước và Liên minh HTX Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều giải pháp tích cực để giúp kinh tế tập thể, HTX tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, tạo việc làm, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống xây dựng nông thôn mới, nhưng việc các HTX được tiếp cận vốn vay còn nhiều khó khăn.
Vốn vẫn là vấn đề nan giải của các hợp tác xã kiểu mới hiện nay. (Ảnh minh họa) |
Vốn là mối băn khoăn thường trực của các hợp tác xã kiểu mới, để trang trải chi phí vận hành, mở rộng nhà xưởng, tìm kiếm thị trường... Thế nhưng, vốn lấy ở đâu? Hiện mới có khoảng 0,5% số HTX có thể tiếp cận được vốn ngân hàng do đặc thù kinh doanh của ngành ngân hàng và điều kiện sản xuất kinh doanh của HTX không tương thích.
Là doanh nghiệp mới thành lập từ tháng 12/2018, HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ du lịch và thương mại Hà Giang (HTX Nông lâm nghiệp Hà Giang) bắt đầu tiếp cận được với những đơn hàng lớn. Tuy nhiên, HTX vẫn còn nhiều băn khoăn bởi không biết huy động nguồn vốn từ đâu để bảo quản, chế biến các sản phẩm này đạt yêu cầu của bên đối tác đặt ra.
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp thương mại dịch vụ Hà Giang chia sẻ: “Hiện tại, HTX đã ký hết hợp đồng với doanh nghiệp của Hàn Quốc trong việc cung cấp sản phẩm sạch cho cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam. HTX mong muốn được hỗ trợ vay vốn để đảm bảo đơn hàng này”.
Là một trong những công ty mới phát triển, Công ty TNHH Nam Dược Đông Nam Á giai đoạn đầu đang hoạt động nhờ vốn tích lũy. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu và phát triển sản xuất trong thời gian tới, Công ty rất cần vốn huy động từ nhiều nguồn.
Ông Phan Văn Ngũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Dược Đông Nam Á cho biết: “Sắp tới công ty sẽ ký hợp đồng với Liên minh HTX Việt Nam làm đơn hàng với Hàn Quốc với sản phẩm là ớt cấp đông trị giá 10 triệu USD. Vì thế, chúng tôi đang rất cần nguồn vốn từ 1,5 - 2 tỷ đồng để xây nhà máy cấp đông bảo quản sản phẩm. Theo ông Ngũ năm 2014, công ty của ông có dự án sản xuất các sản phẩm trùng ngây như mỳ, miến, bột dinh dưỡng được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, do thiếu vốn mà công ty không mở rộng được quy mô sản xuất các dòng sản phẩm này.
Cần có cơ chế mở
Đánh giá về thực trạng này, tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, lĩnh vực phi nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, các chính sách hỗ trợ HTX nói chung tuy đã có nhưng chưa đủ mạnh, thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho HTX. Thủ tục rườm rà và thiếu nguồn lực về cả tài chính và con người để hỗ trợ HTX nên chính sách không đi vào thực tiễn. Điều này dẫn đến các HTX phần lớn có trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, sức cạnh tranh kém. Một số HTX chưa quản lý chặt chẽ nợ của các thành viên, cơ chế thu hồi nợ và xử lý nợ chưa rõ ràng, triệt để dẫn đến nợ xấu, kéo dài.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, nhiều HTX chưa đủ điều kiện tiếp cận, tiếp nhận vốn tín dụng do bản thân các HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn còn yếu kém dẫn đến lúng túng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng: “Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành chức năng, Quỹ tín dụng nhân dân, các ngân hàng thương mại cần có giải pháp căn cơ, để tháo gỡ khó khăn về vốn, cần kích hoạt nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các HTX, hộ nông dân trên cả nước. Cần có sự thay đổi trong cơ chế hỗ trợ vốn cho các HTX theo hướng mở và rõ ràng hơn. Thủ tục cho vay cần đơn giản hóa, áp dụng cơ chế ưu đãi như mở rộng cho vay tín chấp, tập trung vào các HTX hoạt động có hiệu quả gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời, cần có quy định thống nhất về quản trị rủi ro để tăng tính an toàn cho quỹ”./.
Hình thành liên hợp hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm