Rất nhiều lần, trên những chuyến xe xuôi ngược tuyến Buôn Ma Thuột -Eakar, hành khách quen tuyến thấy một người đàn ông chất giọng khỏe khoắn, say sưa nói về nông nghiệp sạch và chào bán các sản phẩm như gạo tím, trà thảo dược, thực phẩm dinh dưỡng, do hợp tác xã mình sản xuất. Người có nhu cầu thì mua vài sản phẩm, người không có nhu cầu cũng thấy mến người nông dân đang có nhiều nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã.

vov_ca_phe_1_xybv.jpg
Đầu ra cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn.

Nông dân ấy là ông Phan đình Xuân, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ hợp nhất, xã Ea ô huyện Ea Kar.

Ông Xuân chia sẻ về con đường chông gai của nông sản chất lượng cao mà hợp tác xã đang theo đuổi: “Đầu ra của nông sản chất lượng cao thì rất là khó khăn chúng tôi phải bươn trải trong các hội chợ các chương trình Xúc tiến thương mại và cho anh em đi các tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Từ khi thành lập hợp tác xã tôi cũng đưa hơn 6.000 lượt người đi tham quan, học hỏi để có thể sản xuất được thành công theo hướng hữu cơ an toàn”.

Từ khi chương trình nông thôn mới ở tỉnh Đắk Lắk được triển khai, nông nghiệp chất lượng cao ở tỉnh đã được chú trọng hơn trước, với nhiều hợp tác xã tham gia. Đơn vị nào cũng hiểu rằng, đây là hướng đi quan trọng để Đắk Lắk khẳng định vị thế là vùng nông nghiệp hàng đầu của cả nước, khắc phục sai lầm chỉ sản xuất thô, yếu về chất lượng.

Đặc biệt với cà phê, ngành hàng số 1 của tỉnh, cà phê đặc sản qua chế biến sâu, đang được nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp quan tâm, dù biết rõ, hướng đi này rất khắt khe và nhiều khó khăn.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã công bằng Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, đến thời điểm này hợp tác xã đã xây dựng được nền tảng sản xuất cà phê chất lượng cao, từ trang trại đến chế biến thô. 

Sản phẩm cà phê nhân thô đang được Hệ thống thương mại công bằng thế giới thu mua với giá cao hơn từ 7000 đến 10.000 đồng/1kg so với sản phẩm thông thường. Hợp tác xã đang đầu tư mạnh vào chế biến sâu và công tác thị trường, nhằm đưa cà phê đặc sản Buôn Ma Thuột đến tận tay người tiêu dùng.

“Sản xuất của hợp tác xã đã ổn định, nhưng khó khăn hiện nay là làm sao để người uống cà phê hiểu được. Bởi vì hợp tác xã không thể có đủ kinh phí tự bỏ ra cho quảng bá được. Chỉ những người nào đã uống cà phê này rồi thì họ nhớ và quay trở lại mua”, ông Trọng cho hay.

“Sắp tới hợp tác xã sẽ tham gia chi hội cà phê đặc sản do tỉnh thành lập, gom lại những người khi làm cà phê chất lượng cao để cùng bàn công tác thị trường”, ông Trọng cho biết thêm.

Tổ chức sản xuất là một trong 19 tiêu chí của chương trình nông thôn mới, quyết định đến việc nông thôn Việt Nam có thật sự mới hay không. Để hoàn thành tiêu chí này, việc có được những hợp tác xã hiệu quả để dẫn dắt nông dân là vô cùng quan trọng.

Chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn để chinh phục thị trường, đó là định hướng của các hợp tác xã ở Đăk Lăk

Để tạo đột phá, tỉnh Đăk Lăk đã có những chính sách cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ các hợp tác xã về nhân lực trình độ đại học để nâng cao năng lực quản lý. Tỉnh cũng đang thí điểm hỗ trợ toàn diện một số hợp tác xã, cả về năng lực quản lý kinh doanh và quản trị; về thị trường, về tài chính và ứng dụng khoa học công nghệ…

Điều kiện quan trọng là các hợp tác xã này phải đảm bảo minh bạch về số liệu, có tham vọng phát triển và đổi mới; sẵn sàng chia sẻ năng lực, kinh nghiệm và các bài học của giai đoạn thí điểm 2018-2020 để điều chỉnh cho giai đoạn nhân rộng. Cùng với đó, các cấp ngành liên quan sẽ đồng hành tối đa cùng các hợp tác xã, đặc biệt là trong việc tháo gỡ những khó khăn về thị trường.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk cho biết, tỉnh có chương trình đồng hành các hợp tác xã đã phát triển thị trường ở các thành phố lớn.

“Ba năm nay chúng tôi đã kết nối được với các thành phố phố Hồ Chí Minh Đà Nẵng Hà Nội, làm việc với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các thành phố và giới thiệu những hợp tác xã đang thực hiện quy trình sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cao. Để từ các cơ quan An toàn vệ sinh thực phẩm này, sản phẩm của các hợp tác xã ở Đăk Lăk sẽ được giới thiệu và tiếp cận thị trường thuận lợi hơn”, ông Côn nói.

Nông thôn mới ở Đăk Lăk đang bước dần vào cuối giai đoạn 2. Nông dân, các hợp tác xã đang thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình, mạnh dạn trong cả cách nghĩ cách làm và đang có những đột phá.

Ngành nông nghiệp, ngành công thương và các ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội ở tỉnh cũng đồng hành tích cực cùng người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp để giải những bài toán khó. Tinh thần nông thôn mới ấy, đang giúp các hợp tác xã ở tỉnh tự tin vươn tới, như chia sẻ của ông Phan Đình Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Hợp nhất.

“Hiện tại tuy chưa hết khó khăn nhưng với sự đồng hành giúp đỡ của các cấp các ngành, chúng tôi tin rằng, các sản phẩm của chúng tôi sẽ càng ngày càng tốt hơn và chắc chắn sẽ chinh phục được người tiêu dùng và thị trường”, ông Xuân khẳng định.

Chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn để chinh phục thị trường, đó là định hướng của các hợp tác xã ở Đăk Lăk, cũng là định hướng của cả ngành nông nghiệp ở đây. Hợp tác xã đi trước, nông dân được dẫn dắt theo cùng, đang dần tạo nên một cách làm nông mới hiện đại, tạo thêm động lực để thúc đẩy chương trình nông thôn mới ở địa phương./.