Tại ĐBSCL, hợp tác xã (HTX) là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. Đây là giải pháp hàng đầu để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đặt ra là các HTX cần sự hỗ trợ để tiếp cận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang có diễn biến khó lường. Bởi theo kịch bản biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 38,9% diện tích ĐBSCL, khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn khi tham gia sản xuất lúa hàng hóa |
Thành lập từ tháng 5/2013, HTX Mỹ Đông 2 (ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) có 108 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 570 ha. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và đặc biệt, để cải tiến quy trình sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, vụ Đông Xuân năm 2017-2018, thông qua sự hỗ trợ của doanh nghiệp, HTX thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa thông minh trên diện tích 7,6 ha và nay đã mở rộng lên 170 ha. Đây là mô hình canh tác lúa sử dụng máy cấy “3 trong 1”: Cấy lúa, bón phân (sử dụng phân tan chậm, chỉ bón 1 lần cho cả vụ), cùng với đó là trang bị hệ thống cảm ứng mực nước thông minh để giúp nông dân theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa, tiết giảm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và giảm khí thải nhà kính.
“Trong canh tác lúa thông minh này, có thể giảm lượng nước 30%, giảm phân bón 40%, giảm giống 60%, giảm công bón phân khoảng 75%, giảm hóa chất diệt sâu rầy hơn 50%. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính hơn 40% và quan trọng là giảm tác động do xâm nhập mặn. Từ đó, tăng chất lượng lúa gạo và tăng lợi nhuận”, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan – đơn vị phối hợp thực hiện canh tác lúa thông minh tại HTX Mỹ Đông cho biết.
Đến hết năm ngoái, vùng ĐBSCL có trên 1.800 HTX nông nghiệp, chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp của cả nước. Tính từ 2016 đến nay, khu vực này là một trong các vùng có số lượng các HTX nông nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước với 552 HTX.
Hoạt động của các HTX đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết được nhiều lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập khá, phát triển nhiều ngành nghề mới và khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương, góp phần giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay đối với hoạt động nông nghiệp của vùng là những diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu. Hậu quả thực tế đã gây thiếu hụt nguồn nước ngọt, tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận của người dân. Đặc biệt, làm chậm lại, hoặc nguy cơ kéo lùi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương, đặc biệt vùng nguy cơ cao ở ĐBSCL.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, BĐKH đang làm cho ĐBSCL phải hứng chịu những thiệt hại nhãn tiền như: tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của vùng đã chậm lại, từ mức hơn 7%/năm giai đoạn 2001-2010, xuống còn khoảng trên 6% vào giai đoạn 2011-2017. Cơ cấu nội ngành dịch chuyển với tốc độ khá chậm, đến gần đây vẫn chủ yếu dựa vào trồng trọt (trên 60% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản). Sinh kế của người nông dân ĐBSCL cải thiện tương đối chậm, thiếu ổn định so với mặt bằng chung cả nước.
Trong khi đó, các mô hình HTX thích ứng với biến đổi khí hậu đã dần hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có cơ sở về khoa học, kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng, năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế.
Phân tích về giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh BĐKH như hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, giải pháp để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH là tổ chức lại không gian sản xuất, quy mô sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng. Điều quan trọng là, để tăng sức cạnh tranh thì các chuỗi ngành hàng nông sản phải được hình thành và khi đó, HTX phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ đang manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp.
“HTX hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên sẽ trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng với điều kiện BĐKH. Không có HTX đủ mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ không thể thay đổi cấu trúc các ngành hàng nông sản cũng như lịch thời vụ phù hợp với BĐKH, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước như trong thời gian qua cũng như sắp tới”, ông Lê Minh Hoan chỉ rõ.
Vất vả thu hoạch vớt vát lúa khi nước đầu nguồn lũ lên nhanh ở Đồng Tháp |
Tại diễn đàn "Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" diễn ra mới đây tại Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120; trong đó xác định rõ BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, cần phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Để từ đó, các bộ ngành, địa phương thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để đạt được những mục tiêu này, HTX nông nghiệp kiểu mới đóng vai trò chủ đạo. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp ở ĐBSCL thích ứng trong cơ chế thị trường trong bối cảnh BĐKH.
“Sẽ báo cáo Thủ tướng đưa đề án HTX nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với BĐKH vào 1 trong những danh mục quan trọng để thực hiện Nghị quyết 120. Riêng sản xuất tập thể được rất nhiều lợi ích. Nếu điều chỉnh lịch thời vụ đồng bộ thì giảm thiểu được tác động biến đổi khí hậu rất nhiều. Thứ 2 sử dụng những loại giống thích hợp hạn mặn thì cũng làm thích ứng tốt với BĐKH. Riêng từng hộ gia đình không làm được việc này. Chỉ có HTX, có hành động tập thể, có sự liên kết với doanh nghiệp; bao gồm 5 nhà: nhà khoa học, nhà nước, nhà nông, nhà băng và nhà doanh nghiệp thì mới có thể làm được”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Hai năm trước, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại ĐBSCL”. Hiện nay, mô hình này được khẳng định là con đường duy nhất cho phát triển nông nghiệp miền Tây vượt qua thách thức và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để HTX phát triển bền vững, bên cạnh những giải pháp để hỗ trợ HTX thích ứng với cơ chế thị trường, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã kiến nghị về chính sách cần xây dựng thêm Đề án giúp HTX nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu cho thu nhập cao
ĐBSCL phát triển theo hướng "thuận thiên" thích ứng biến đổi khí hậu