Cuộc họp tập trung vào các vấn đề: trao đổi, cập nhật thông tin về ngành công nghiệp ô tô ASEAN; chia sẻ kinh nghiệm cùng những thuận lợi và thách thức triển khai hành động trong khuôn khổ AFTA - CEPT và các khu vực mậu dịch tự do; thảo luận về việc hoàn thiện trong thông lệ, thủ tục và tiêu chuẩn hóa, hài hòa hóa các quy chuẩn kỹ thuật cho ô tô, xe máy và các vấn đề liên quan đến nhiên liệu. Đây là các vấn đề đang được các Chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong ngành ô tô các nước trong khu vực ASEAN quan tâm.

Phát biểu khai mạc Cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhận định, công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, Việt Nam cũng như các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới đều quan tâm đầu tư, phát triển để khai khác các lợi thế mà các ngành công nghiệp khác không có. Thứ trưởng hy vọng từ kết quả của Cuộc họp nhóm lần này, công nghiệp ô tô trong khối sẽ phát triển nhanh hơn, các doanh nghiệp tìm được nhiều cơ hội liên kết, hợp tác, trao đổi để cùng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm không những trong nội khối mà còn vươn ra trường thế giới.

Theo lộ trình thực hiện AFTA thì đến năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực vào Việt Nam bằng 0, toàn khu vực là một thị trường thống nhất, bình đẳng.

Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là: xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường khu vực và thế giới.

Trước mắt, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược trên cơ sở hợp tác với các hãng sản xuất xe lớn và với các nước trong AFTA để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô của khu vực và thế giới.

Theo xu hướng phát triển sạch hơn và chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường, tiêu thụ ít năng lượng và sử dụng năng lượng sạch như chương trình khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học trên cơ sở sản xuất ethanol từ sắn, diezel sinh học và dầu thực vật với mục tiêu đến năm 2020 sẽ thay thế khoảng 5% tổng lượng xăng dầu truyền thống của cả nước./.