Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ ba về đầu tư vào Việt Nam, sau Nhật Bản và Singapore. Tổng số vốn Đài Loan đầu tư vào Việt Nam trong năm 2013 đạt khoảng gần 28 tỷ USD. Đài Loan cũng là một trong những đối tác lớn của Việt Nam về thương mại. Đặc biệt về thị trường xuất khẩu lao động, Đài Loan là một trong những thị trường tăng đột biến trong năm 2013 và vẫn là điểm sáng trong những năm tiếp theo.

Trong chuyến công tác tại vùng lãnh thổ Đài Loan trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Trọng Vân,Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan) về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan.

img_4791.jpg
Ông Bùi Trọng Vân,Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc

Quan hệ hai bên rất tiềm năng

PV: Xin ông cho biết tình hình hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan trong năm qua và triển trọng trong những năm tới đây?

Ông Bùi Trọng Vân:Trước hết, tôi xin khẳng định Đài Loan là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam vào thời điểm hiện nay. Đài Loan là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào Việt Nam, quy mô nhiều năm luôn đứng đầu và với khoảng gần 28 tỷ USD trong năm 2013. Đài Loan cũng là một trong những đối tác lớn của Việt Nam về thương mại. Ngoài ra, Đài Loan có thể hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực khác như: khoa học công nghệ, lao động, giáo dục, du lịch – với lượng khách du lịch Đài Loan xếp thứ 5 vào Việt Nam.

Những số liệu đó nói lên mối quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Đài Loan là rất tiềm năng.Trong năm 2013, thương mại giữa Đài Loan và Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan là 2,6 tỷ USD, tăng 14,3%; nhập khẩu của Việt Nam từ Đài Loan đạt 8,9 tỷ USD, tăng 5,6%.

Về đầu tư: Những năm qua, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam có chiều hướng chững lại, giảm xuống, nhưng năm 2013 bắt đầu nhích lên. Năm qua, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam đạt gần 600 triệu USD, với khoảng 66 dự án mới và 52 dự án mở rộng, tăng khoảng 5,5%.

Về thị trường xuất khẩu lao động:Đài Loan là một trong những thị trường tăng đột biến trong năm vừa qua. Đây là một trong những điểm sáng về hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan.

PV: Thưa ông,Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc có những kế hoạch như thế nào để thúc đẩy hợp tác thương mại- đầu tư giữa hai bên trong những năm tiếp theo?

Ông Bùi Trọng Vân:Sắp tới, tôi nghĩ còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi xác định Đài Loan vẫn còn tiềm năng mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Trong khiViệt Nam vẫn là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Đài Loan. Tôi cho rằng năm 2014, Việt Nam nói chung và Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nói riêng, coi trọng hơn nguồn lực đầu tư của Đài Loan, làm sao thu hút nhiều hơn nữa đầu tư của họ vào Việt Nam. Để đạt điều đó, tôi nghĩ, cần có những bước thúc đẩy ký kết những văn bản cần thiết để thu hút và kích thích các nhà đầu tư Đài Loan.  

Ông Bùi Trọng Vân trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam

Về phía Việt Nam, tôi cũng tin tưởng có những bước khởi sắc tiếp theo, đặc biệt với môi trường chính trị - xã hội ổn định, cùng với khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư về sức lao động, giá lao động rẻ, địa thế của Việt Nam ở vị trí trung tâm, văn hóa, tập quán hai bên rất gần gũi, cho nên người Đài Loan rất yên tâm đầu tư. Vì thế, chúng ta làm sao phải đưa thật nhiều thông tin cho họ, thuyết phục họ tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Để làm được điều này, đối với trong nước, tôi mong các Bộ, ngành kinh tế Việt Nam tăng cường trao đổi các đoàn xúc tiến đầu tư sang đây quảng bá, giới thiệu về các dự án tiêu biểu của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải hỗ trợ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư Đài Loan đối với những dự án đầu tư của họ ở các tỉnh thành Việt Nam. Những vướng mắc cần được giải quyết sớm, để họ thấy rằng đầu tư vào Việt Nam là yên tâm, có lãi, được Chính phủ Việt Nam ủng hộ.

Chúng tôi mong có những đoàn xúc tiến đầu tư từ trong nước sang Đài Loan, phối hợp tổ chức những cuộc giới thiệu về môi trường, chính sách đầu tư của Việt Nam, qua đó để tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư của Đài Loan. Ngoài ra, chúng tôi cũng có kế hoạch như hằng năm tổ chức các cuộc đi về các thành phố để gặp gỡ các doanh nghiệp; tổ chức các cuộc hội thảo để giới thiệu tình hình đầu tư, tình hình kinh tế Việt Nam, các dự án của Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài.

Về thương mại, tôi cho rằng cần có những thỏa thuận để tháo gỡnhững rào cản về kỹ thuật, làm sao tăng xuất khẩu các mặt hàng của ta sang Đài Loan bởi vẫn còn tiềm năng để chúng ta xuất khẩu sang Đài Loan, do những lợi thế như: hàng hóa Việt Nam sang đây được người tiêu dùng ưa chuộng, trong đó nông sản phẩm như cà phê, chè, rau, gạo… giá rất cạnh tranh. Chúng tôi cũng đang phấn đấu làm sao mở lại việc xuất khẩu quả thanh long sang thị trường Đài Loan – vốn bị gián đoạn 6 – 7 năm nay. Vừa qua, chúng tôi cũng đã đàm phán và phía Đài Loan sẽ có quyết định cuối cùng. Nếu thành công sẽ rất tốt cho chúng ta vì trước năm 2000, già nửa thị trường thanh long của Đài Loan là nhập khẩu từ Việt Nam.

Tôi cũng cho rằng, nông nghiệp cũng là lĩnh vực cần thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư Đài Loan, vì nông nghiệp của Đài Loan rất mạnh. Nếu chúng ta tăng cường hợp tác, tiếp thu được kỹ thuật, công nghệ của họ sẽ nâng cao chất lượng nông sản của ta như rau quả, chè… do đó khả năng xuất khẩu của ta sang Đài Loan sẽ tăng.

Năm 2013, các mặt hàng điện tử, viễn thông xuất khẩu sang Đài Loan tăng, bởi các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam nhập trở lại Đài Loan để họ lắp ráp, xuất khẩu đi các nước. Đây là điểm đáng chú ý vì chúng ta mở rộng, thu hút được các nhà đầu tư Đài Loan vào Việt Nam gia công các linh, phụ kiện sau đó xuất khẩu trở về Đài Loan, qua đó cũng sẽ góp phần tăng quy mô thương mại giữa hai bên trong những năm tới.

Thành phố Đài Bắc nhìn từ tòa tháp Taipei 101

Xuất khẩu lao động vẫn là điểm sáng

PV: Thưa ông, trong năm 2014, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn xác định Đài Loan là thị trường trung tâm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động của ta trong năm 2014. Xin ông cho biết tiềm tăng của thị trường Đài Loan trong tiếp nhận lao động Việt Nam?

Ông Bùi Trọng Vân: Chúng ta xuất khẩu lao động sang Đài Loan từ hơn 10 năm nay. Tính đến nay, Đài Loan là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của ta, đạt quy mô 136.000 – 137.000 người trong năm 2013. Tốc độ tăng trưởng năm 2013 đạt trên 50%. Lượng xuất khẩu lao động sang Đài Loan trong năm 2013 chiếm một nửa tổng xuất khẩu lao động của Việt Nam ra nước ngoài.

Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Đài Loan mang tính cạnh tranh. Thứ nhất, thế mạnh của người lao động Việt Nam sang đây là tiếp thu nhanh, học ngoại ngữ nhanh, thao tác kỹ thuật nhanh, chịu khó; tuy nhiên tính kỷ luật còn kém. Thứ hai, môi trường văn hóa hai bên rất gần gũi, cho nên sự tiếp cận giữa chủ và thợ rất dễ dàng.

Tiềm năng thị trường lao động của ta hiện nay có hai mảng lớn là lao động trong nhà máy và lao động giúp việc gia đình hoặc chăm sóc người bệnh trong các trại dưỡng lão. Trong đó, mảng làm việc trong nhà máy là chủ yếu vì mảng giúp việc gia đình đã bị dừng từ năm 2005. Trong những năm qua, chúng tôi đã nỗ lực cố gắng với phía bạn làm sao khôi phục lại, trong đó có hai yếu tố là tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Đài Loan cao (khoảng 20%, tương tương 20.000 người). Phía bạn rất quan tâm tới vấn đề này, làm sao giảm tỷ lệ bỏ trốnxuống. Bên cạnh đó, phí thu của người lao động sang đây cao. Nếu giảm được hai điều này thì tiềm năng xuất khẩu lao động sang đây sẽ ổn định hơn.

Điều quan trọng nhất là nhu cầu thị trường. Đà khôi phục, tăng trưởng kinh tế của Đài Loan vẫn giữ vững, họ rất cần lao động làm trong các nhà máy để gia công, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong nhà máy vẫn còn. Chúng tôi tin là thị trường Đài Loan vẫn là điểm sáng trong xuất khẩu lao động ra nước ngoài của Việt Nam.

Coi trọng giáo dục và y tế

PV:Đài Loan được mệnh danh là “con Hổchâu Á” với nền kinh tế phát triển vào hàng bậc nhất ở khu vực châu Á.Với thời gian làm việc của mình tại Đài Loan, ông lý giải như thế nào về sự phát triển năng động và hiệu quả của nền kinh tế này?

Ông Bùi Trọng Vân:Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Đài Loan vào khoảng 21.000 – 22.000 USD/năm. Đài Loan là một trong những nơi dự trữ ngoại tệ lớn với 400 tỷ USD, đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. Đài Loan cũng có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng về máy tính, viễn thông, khoa học công nghệ, nông nghiệp… và Đài Loan được mệnh danh là “con Hổ châu Á”.

Để phát triển, Đài Loan đã có một chiến lược đúng đắn. Đài Loan đã xác định được những công trình trọng điểm quốc gia, đưa sinh viên ra bên ngoài đào tạo... Bộ Giáo dục Đài Loan cho rằng, có tới 70 – 80% giáo sư của họ được đào tạo tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Chính những thế hệ này đi ra ngoài học tập, sau đó trở về phát minh sáng kiến mới về khoa học công nghệ, giúp cho Đài Loan có thế mạnh về lĩnh vực này.

Đài Loan cũng là nơi rất thành công về thương mại toàn cầu. Người Đài Loan đi ra ngoài đầu tư, buôn bán với thế giới rất thành công. Họ đi từ mô hình các xí nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí từ xí nghiệp gia đình đi lên. Các doanh nghiệp này hoạt động rất năng động. Điều này liên quan đến vấn đề chiến lược, chính sách phát triển.

Thế mạnh của Đài Loan là xuất khẩu và bạn có những mặt hàng được thế giới ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh. Đơn hàng họ không những làm ở Đài Loan mà đi ra các nước đầu tư để đặt các cơ sở sản xuất và bán ra khắp thế giới. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của Đài Loan có chậm lại và họ đang trong quá trình điều chỉnh để có thể thích ứng với môi trường kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, Đài Loan có chiến lược phát triển con người. Họ coi trọng giáo dục và y tế, tập trung vào chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe, trí tuệ con người. Người Đài Loan rất nhanh nhạy, dễ thích ứng với thay đổi thời cuộc.

Đài Loan rất nhanh nhạy với xu hướng lớn trên thế giới. Mỗi năm,họ bỏ ra khoảng 4 tỷ USD, chưa kể sự tham gia từ phía doanh nghiệp, để nghiên cứu phát minh, sáng chế.

Tôi nhận thấy những phát triển về kinh tế, xã hội của Đài Loan rất đáng để chúng ta nghiên cứu, tham khảo.

PV: Xin cảm ơn ông!./.