Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở không đáp ứng được điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”. Điều này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật ra thị trường.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm. Hiện nay, các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung đa số hoạt động chưa hết công suất, một số cơ sở chỉ hoạt động được từ 15 - 30% công suất thiết kế. Ước tính, tổng lượng động vật đưa vào giết mổ giảm hơn 13%, trong đó, sản lượng thịt lợn giảm 55,8%; thịt gia cầm giảm 11,3%...
Việc các cơ sở giết mổ tập trung phải dừng hoạt động không chỉ gây thiếu hụt cục bộ lượng sản phẩm động vật ra thị trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các hoạt động giết mổ, gia súc gia cầm nhỏ lẻ, giết mổ không được cấp phép.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho rằng, nếu kéo dài tình trạng này sẽ gây bất ổn thị trường, giá sản phẩm tăng, nhất là từ nay đến cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ thịt các loại tăng cao.
“Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những dự báo về nhu cầu xuất nhập khẩu đối với giống vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi. Hàng năm, Hà Nội cũng như các địa phương xây dựng kế hoạch cho sản xuất chăn nuôi trên địa bàn với tình hình thực tế và lợi thế của địa phương, tránh tình trạng giá lên thì tập trung nuôi nhưng đến khi nuôi nhiều giá lại giảm” - ông Nguyễn Huy Đăng nói.
Trước mắt, đảm bảo lượng thịt gia súc, gia cầm cung cấp cho thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội sẽ tập trung phương án đưa về các cơ sở giết mổ có đủ điều kiện giết mổ, yêu cầu những cơ sở này tăng công suất để bù đắp lượng thực thịt thiếu hụt hàng ngày. Đồng thời, đề nghị các huyện, thị xã có cơ sở giết mổ thời gian qua phải tạm dừng hoạt động, huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo có phương án giết mổ đúng quy định được chính quyền phê duyệt chấp thuận hoạt động trở lại./.