Trong hai ngày (15 và 16/9), tại Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển giữa Việt Nam – ASEAN với Liên bang Nga: Thực trạng và triển vọng”.

Dự kiến, hơn 100 đại biểu đến từ LB Nga, tổ chức ASEAN và các nước trong khối ASEAN tham dự hội thảo. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay (11/9) tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN với Liên bang Nga, với những thành tựu đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và dự báo những triển vọng trong tương lai. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – ASEAN với Liên bang Nga lên một tầm cao mới.

asean_nga_xmhk.jpgGiáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại họp báo
Với mục đích đó, hội thảo tập trung đánh giá vai trò của quan hệ hợp tác giữa ASEAN với Liên bang Nga trong việc bảo vệ và gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; vai trò của Việt Nam trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN với Liên bang Nga và trong chính sách đối ngoại hướng đông của Liên bang Nga. Cùng với đó, hội thảo sẽ đưa ra các giải pháp đột phá để khơi thông quan hệ hợp tác giữa ASEAN với Liên bang Nga nhằm tạo thêm cơ hội và nguồn lực phát triển cho hai bên.

Về hợp tác phát triển kinh tế, hội thảo sẽ khuyến nghị những lĩnh vực mà Liên bang Nga và ASEAN có thể mở rộng hợp tác; làm rõ các rào cản khách quan và chủ quan đang làm chậm lộ trình hợp tác toàn diện giữa ASEAN với Liên bang Nga, những vấn đề đã và đang đặt ra trong lĩnh vực quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam – ASEAN và Liên bang Nga. Bên cạnh đó, hội thảo còn thảo luận những thành tựu và hạn chế trong quá trình hợp tác về phương diện văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ giữa Liên bang Nga với và các nước ASEAN, chỉ rõ thời cơ, thách thức đang đặt ra trong mối quan hệ hiện nay…

Tại cuộc họp báo, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Hội thảo gồm 3 phiên ở Hà Nội và 1 phiên tại Quảng Ninh. Ngoài phiên chung, có 2 phiên đề cập đến 2 vấn đề được phổ quát về ảnh hưởng xã hội, đó là kinh tế và văn hóa. Văn hóa ở đây theo quan niệm của chúng ta là nền tảng tinh thần xã hội, về khía cạnh nào đó thì dẫn đường cho tất cả lĩnh vực quan hệ xã hội khác. Chính vì thế cùng với lĩnh vực kinh tế chúng tôi đặt lĩnh vực văn hóa là một trong hai lĩnh vực quan tâm lớn trong hội thảo”./.