Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 9 khai mạc ngày 4/12 tại Bali (Indonesia). Đại diện 159 nước thành viên cùng thảo luận các biện pháp mới nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, phiên họp đầu tiên của hội nghị diễn ra với nhiều bất đồng giữa các nước thành viên trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề trợ giá lương thực của Ấn Độ.

Trong phiên họp hôm nay, đại diện các nước thành viên WTO thảo luận về thoả thuận đa phương đầu tiên, buộc tất cả các thành viên phải công khai các thủ tục hải quan, đảm bảo vận chuyển hàng hoá nhanh hơn và đảm bảo phí hải quan phải ở mức hợp lý. Hội nghị cũng thảo luận vấn đề hỗ trợ, đặc biệt là dỡ bỏ rào cản thuế quan, mở cửa thị trường cho các nước kém phát triển.

indo_nwiu.jpg.jpg
Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono đánh cồng khai mạc  Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9. (Ảnh: Reuters)

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là vấn đề trợ giá lương thực. Hội nghị đã đưa ra đề xuất về an ninh lương thực nằm trong “Gói Bali”, theo đó hạn chế trợ giá lương thực nhằm tăng tính cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của một số nước, đặc biệt là Ấn Độ.

Ấn Độ cho biết, nước này không thể chấp nhận đề xuất của WTO. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ - Anand Sharman nói rằng, vấn đề an ninh lương thực là “không thể đàm phán” đối với Ấn Độ. Ông Sharman cho rằng, đề xuất của WTO khiến cho Ấn Độ có cảm giác gây nguy hiểm cho những nỗ lực của nước này nhằm trợ giá lương thực trong nước, vì vậy Ấn Độ “không thể chấp nhận” đề nghị này.

Theo ông Sharman, ngành nông nghiệp duy trì sự sống cho hàng triệu nông dân. Lợi ích của họ phải được đảm bảo. An ninh lương thực là thực sự cần thiết đối với 4 tỷ người trên thế giới. Đối với Ấn Độ, lương thực không phải là vấn đề để mang ra mặc cả.

“Đối với Ấn Độ, an ninh lương thực là điều không thể đàm phán, nhu cầu về việc dự trữ lương thực để đảm bảo an ninh lương thực cần phải được tôn trọng. Các quy tắc của WTO cần phải được chỉnh sửa. Việc hạn chế dự trữ hiện nay là không thể chấp nhận được. Chúng ta cần đạt được một giải pháp thoả đáng cho vấn đề này”, ông Sharman quả quyết.

Năm 2014, Ấn Độ sẽ thực hiện hoàn toàn chương trình an sinh xã hội, cung cấp thực phẩm giá rẻ cho 800 triệu người dân và tăng cường dự trữ lương thực. Theo chương trình này, Ấn Độ sẽ dự trữ lương thực quy mô lớn và thu mua ở mức giá tối thiểu. Điều này dấy lên lo ngại Ấn Độ sẽ đi ngược lại các quy tắc của WTO vốn hạn chế trợ cấp nông nghiệp ở mức 10% sản phẩm.

Mặc dù đây mới chỉ là ngày họp đầu tiên, nhưng những bất đồng đang phủ bóng đen lên toàn hội nghị. Những tranh cãi về lợi ích giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong việc đạt được thỏa thuận tự do thương mại toàn cầu đang khiến vòng đàm phán Doha vẫn bế tắc sau 12 năm tiến hành.

Đại diện thương mại Mỹ - Michael Froman đã kêu gọi các nước thành viên cần linh hoạt hơn trong đàm phán.

“Nếu không nước nào đạt được mong muốn thì thỏa thuận này chắc chắn thất bại từ một cuộc đàm phán đa phương. Mặc dù vậy, Mỹ tôn trọng những tiến trình đã đạt được tới thời điểm này. Mỹ đã đàm phán một cách cứng rắn nhưng cũng rất linh hoạt và ủng hộ những thỏa thuận đã nhất trí với các nước khác”, ông Michael Froman nêu rõ.

Hội nghị Bộ trưởng WTO tiếp tục diễn ra trong ngày 5 và 6/12. Những bất đồng hiện nay khiến nhiều người ít kỳ vọng vào sự đột phá lớn tại hội nghị lần này. Nếu thất bại, vai trò của WTO, với tư cách là cơ chế thương mại đa phương toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ./.