Hôm nay (29/11), tại Hà Nội, Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam chính thức ra mắt, trên cơ sở tách ra từ Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới mục đích đảm bảo tính pháp lý và thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội theo đúng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Bộ phận Thường trực Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phát biểu tại đại hội. (Ảnh: Bộ Công Thương). |
Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam gồm 61 các Hội địa phương và tổ chức là thành viên trải dài ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Tôn chỉ hoạt động của Hội: “là một tổ chức xã hội của các tổ chức, cá nhân tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”. Hội giữ vai trò tham gia, còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Trong vai trò tổ chức, Hội sẽ vận động hội viên và người tiêu dùng tích cực tham gia cùng với các cơ quan chức năng Nhà nước và các thành phần khác trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Bộ phận Thường trực Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định Hội sẽ luôn coi việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là phương châm hành động của mình, phấn đấu để trở thành địa chỉ gần gũi, đáng tin cậy của người tiêu dùng. Hội cũng sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp chân chính để đấu tranh với các hành vi kinh doanh không lành mạnh, trái pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời cũng là bảo vệ quyền lợi cho chính doanh nghiệp.
"Thực hiện chủ trương hội nhập và đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, Hội sẽ đẩy mạnh hợp tác Quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và góp phần vào phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới”, ông Hùng cho biết./.Chống hàng giả, hàng nhái: Người tiêu dùng, doanh nghiệp cần vào cuộc
Kinh tế chia sẻ: Cơ hội nào cho người tiêu dùng Việt?