Tại Hà Nội, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (US AID) cùng văn phòng chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư khởi động Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do US AID tài trợ.  Với kinh phí tài trợ 22,1 triệu USD trong vòng 5 năm, Dự án được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa hòa nhập và chuỗi cung ứng toàn cầu sớm hơn, bền vững hơn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp, tạo ra 63% lượng việc làm cho xã hội, đóng góp 45% GDP. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam còn thấp theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu. Lý do được các chuyên gia tham dự sự kiện khẳng định là do việc áp dụng công nghệ còn lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với đối tác trong và ngoài nước, thiếu nhân lực kỹ năng nghề cao, trình độ quản lý kém, khả năng tiếp cận tài chính thấp…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Vấn đề chính là thiếu khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là vấn đề lớn và thể hiện nền kinh tế phát triển không bền vững.

"Tại sao các doanh nghiệp nước ngoài không hợp tác được với doanh nghiệp trong nước? Các doanh nghiệp trả lời là doanh nghiệp Việt Nam đâu có đủ chất lượng và tiêu chuẩn để tham gia vào chuối giá trị cung ứng của chúng tôi. Chúng ta đã có các luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rồi. Giờ cùng với Dự án này thì hy vọng các bộ, ngành, các doanh nghiệp phối hợp triển khai để các doanh nghiệp có thể phát triển tốt nhất", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.

20151201104451moitruongkinhdoanhaec1_ewqj.jpg
Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ nâng năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Trên tinh thần đó, ông Daniel Kritenbrink – Đại sứ Quan Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nêu cụ thể: Trong tổng số 22,1 triệu USD được chi hỗ trợ thúc đẩy-nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đến năm 2023, thực chất, Hoa Kỳ đã và đang thông qua dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành điện tử và kim khí. Sắp tới, cơ quan này sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng Việt Nam nghiên cứu, mở rộng đối tượng hưởng lợi. Điều này không chỉ hỗ trợ phát triển của khối doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam mà còn gắn kết quan hệ ngoại giao nước.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên mới chỉ có rất ít doanh nghiệp được kết nối vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Việt Nam cần phát triển có chiều sâu vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mới có thể cải thiện được thu nhập cho người lao động và chủ doanh nghiệp tại Việt Nam. Hoa Kỳ cam kết hợp tác để giúp các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với nền kinh tế toàn cầu thông qua để nền kinh tế Việt Nam ngày càng thịnh vượng và mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ ngày càng nở hoa” - ông Daniel Kritenbrink nói.

Một trong những doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí đã, đang và tiếp tục được hưởng lợi từ Dự án là Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu EMC. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc kinh doanh công ty cho biết: “Dự án này cực kỳ hữu ích. Phần yếu của bên mình và các doanh nghiệp khác là kết nối với các khách hàng lớn FDI. Nếu không có sự hỗ trợ như những chương trình như này thường không có, mình thường không có thói quen chủ động như các doanh nghiệp Nhật chẳng hạn. Các chương trình này hỗ trợ quản lý, kỹ thuật và được kết nối với đầu chuỗi cung ứng.”

Các đại biểu tham dự sự kiện hy vọng các bài học kinh nghiệm tiếp theo từ dự án không chỉ hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ. Cùng với nâng cao năng lực còn gợi mở những giải pháp góp phần cải cách thể chế, đơn giản hóa các quy định và thủ tục hành chính, giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam; tạo thuận lợi trong kinh doanh và tăng cường năng lực hội nhập quốc tế của nền kinh tế Việt Nam./.