Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cách duy nhất để Việt Nam có thể có quan hệ FTA đối với Hoa Kỳ.
Đặc biệt, khi đàm phán TPP thành công, Việt Nam sẽ có quan hệ FTA đối với Hoa Kỳ trước so với một số nước đang phát triển trong khu vực lại thường xuyên có cạnh tranh thương mại với Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…
“Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam sẽ có lợi thế nhất định trong việc tiếp cận thị trường Hoa kỳ. Khi gia nhập TPP, thuế xuất khẩu sẽ được áp dụng là 10% trong vòng 10 năm đối với hấu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, Việt Nam không cần phải có chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và sẽ là cú huých mạnh cho công tác xuất khẩu của nước ta”, bà Thúy chỉ rõ.
Bên cạnh đó, quan hệ FTA là quan hệ ràng buộc tốt hơn quy chế GSP mang lại bởi GSP chỉ là cam kết đơn phương có thể bị đối tác cắt bỏ bất cứ lúc nào và chỉ áp dụng cho một số mặt hàng nhất định.
Tuy nhiên, cũng theo bà Thúy, khi tham gia TPP cũng sẽ tạo nên sức ép mở cửa thị trường và cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Việt thực hiện các cam kết rộng và sâu trong TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ: “Chủ yếu do sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, trong khi doanh nghiệp của Việt Nam ít nhiều vẫn còn những hạn chế, do vậy nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt thì có thể đây lại là điều bất lợi”, bà Thúy lý giải.
Mặc dù vậy, có thể trước mắt doanh nghiệp có thể có khó khăn nhưng đây vẫn là con đường dù sớm hay muộn các doanh nghiệp trong nước vẫn bắt buộc phải tham gia, chuẩn bị cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công theo hướng nâng cao giá trị, gia tăng chất lượng và hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế.
Bà Thúy cho rằng, Việt Nam sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, mở cửa thị trường và tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, chính sách và thủ tục đầu tư nâng cao khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.
“Khi chúng ta có quan hệ FTA đối với Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ thúc đẩy việc đầu tư của Hoa Kỳ và các nước khác vào Việt Nam. Hiện nay, các nhà đầu tư của Hoa Kỳ và một số nước đã chuẩn bị đón đầu bằng cách đầu tư trước vào Việt Nam trước khi hiệp định TPP được kí kết”, bà Thúy nói./.