Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đưa nước ta thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU.  Nhiều chuyên gia cho rằng, thành viên của Hiệp định sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế, thì tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh của đất nước xuất khẩu sang thị trường EU, trong đó có ngành nông nghiệp.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU là điều kiện để nước ta tiếp cận thị trường hàng đầu thế giới xét cả về quy mô của thị trường và trình độ công nghệ, tiềm năng tài chính. Đây là khu vực thị trường có tiêu chuẩn rất cao, khi tiếp cận thị trường này, các doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta có thể đạt những chuẩn mực cao nhất của thế giới trong thương mại đầu tư. Việc mở cánh cửa ra thị trường EU cũng giúp cho Việt Nam có được một cơ cấu xuất nhập khẩu, đầu tư, kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống ở xung quanh.

vov_evfta_la_co_hoi_tot_cho_nganh_nong_nghiep_anh_nguyen_hang_gkfx.jpg
EVFTA là cơ hội tốt cho ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, đây là một thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới và hàng năm lượng nhập khẩu nông sản  khoảng 150 tỷ USD. Hiện ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên toàn cầu mới được trên 40 tỷ USD, xuất khẩu sang EU mới khoảng trên 5 tỷ USD. EVFTA có hiệu lực là cơ hội về giảm thuế, EU là trường hợp đầu tiên giảm thuế cho cả hàng chế biến nông sản, điều này mang lại nhiều lợi ích, khi đó cơ hội cho hàng hóa sang EU sẽ có mức giá cạnh tranh hơn.

“Thu nhập trung bình của người dân ở EU thuộc mức thu nhập cao thì họ sẽ sẵn sàng trả cho những mặt hàng giá cao hơn và chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn. Đây là một cơ hội rất tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà quan trọng là về chất lượng để theo đúng định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp mà giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn, bền vững về môi trường hơn và con người hơn”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định.

Trong khi đó, EU là một trong những thị trường khắt khe với nông sản với hàng loạt yêu cầu cao như khai thác gỗ phải có chứng chỉ gỗ rừng trồng, khai thác thủy sản bền vững về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh… Đây là thách thức nhưng nếu đảm bảo được những điều kiện này sẽ đưa nông sản của Việt Nam không chỉ sang EU mà có thể xuất sang các thị trường khác.

Ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất để tận dụng EVFTA

Các chuyên gia cho rằng, cần rà soát lại tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng lực của ngành thì mới đáp ứng được các yêu cầu của thị trường cao cấp như EU. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, để tận dụng cơ hội từ EVFTA việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là vấn đề quan trọng nhất, đồng thời cải cách thể chế là một nhiệm vụ quan trọng.

Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam vẫn tận dụng được cơ hội từ Hiệp định, tuy nhiên, về cạnh tranh dài hạn và tận dụng được hết các cơ hội đang mở ra thì cần phải có một con đường cao tốc, có một cuộc cách mạng trong cải cách thể chế sắp tới, đây sẽ là chìa khóa cho mọi vấn đề.

"Chúng tôi cũng rất muốn đề nghị các cơ quan Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng thể chế. Khi Chính phủ gỡ được thể chế, tạo điều kiện về thể chế thì doanh nghiệp sẽ hăng hái sản xuất kinh doanh. Đối với doanh nghiệp cũng phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phải đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, phải làm ăn dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững”, ông Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến./.