Tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) giữa kỳ 2019 diễn ra chiều nay (25/6), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù thủ tục đăng ký kinh doanh đã thuận lợi nhưng cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục giảm gánh nặng hậu đăng ký kinh doanh, cải cách các điểm nghẽn của thủ tục hành chính.

vov_dien_dan_doanh_nghiep_vn_fkiw.jpg
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và bà Virginia B.Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đồng Chủ tịch Liên Minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ báo chí chiều ngày 25/6.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, cải cách thủ tục hành chính hiện vẫn còn một số điểm nghẽn. Đặc biệt, liên quan đến quy hoạch đất đai, tài nguyên môi trường. Một số dự án tại địa phương ách tắc do thủ tục hành chính. Thủ tục xuất nhập khẩu, thuế cần tiếp tục thay đổi.

“Dù nhiều điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm nhưng gánh nặng kiểm tra chuyên ngành còn cao, thủ tục xuất nhập khẩu còn phức tạp đè trên vai doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp đang rất mong mỏi cơ quan chức năng tăng cường minh bạch thông tin”, ông Lộc nêu ý kiến.

Đại diện VCCI cũng chia sẻ, quản trị doanh nghiệp Việt Nam đang xếp cuối cùng trong 6 nền kinh tế hàng đầu của Asean, với khoảng cách khá xa so với nhóm dẫn đầu.

Chính vì thế, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp Việt Nam và nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh là những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Để làm được điều này, Chính phủ cần có biện pháp thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp là điểm then chốt, cốt lõi để doanh nghiệp có thể thành công. Doanh nghiệp thành công thì quốc gia sẽ thành công và ngược lại”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Diễn đàn doanh nghiệp lần này có chủ đề vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nhanh bền vững trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi khó lường./.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ecuador

VOV.VN - Việt Nam và Ecuador còn rất nhiều dư địa hợp tác, có thể bổ trợ cho nhau trong nhiều lĩnh vực cũng như khả năng đầu tư vào một số lĩnh vực thế mạnh.