Sau khi quyết định của Bộ Tài chính về việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi có hiệu lực, nhiều mặt hàng sữa đồng loạt giảm giá. Tuy nhiên, vui mừng chưa được bao lâu, người tiêu dùng lại thấy băn khoăn, lo ngại khi hàng loạt sản phẩm trước đây gọi là sữa nay lại được thay tên, đổi mẫu mã. Câu hỏi đặt ra là các sản phẩm này có phải là sữa và liệu đây có phải là chiêu lách luật của doanh nghiệp để tránh quy định về áp giá trần, bình ổn giá?

gia_sua_3_bfoo.jpgNgười tiêu dùng băn khoăn vì hàng loạt sản phẩm sữa được khoác áo mới

Khảo sát tại một số cửa hàng bán sữa trên các phố Hàng Buồm, Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm), Sơn Tây (quận Ba Đình), Ngọc Lâm, Sài Đồng (quận Long Biên) – Hà Nội, rất nhiều sản phẩm gọi là sữa trước đây, đã được thay tên đổi họ. Sữa không còn được gọi là sữa khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được.

Cụ thể, sữa bột tăng trưởng Growth của Abbort được đổi là thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng; Sữa bột Friso Gold dành cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi được đổi thành thực phẩm bổ sung cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi; Sữa bột Dielac Alpha được đổi thành sản phẩm dinh dưỡng công thức; Sữa bột Similac Gain Plus đổi là thức ăn công thức; Sữa bột Enfa Gold đổi thành sản phẩm dinh dưỡng công thức…Như vậy, hàng loạt nhãn sữa dần thay đổi cách gọi, thay vì tên gọi sữa bột như trước đây, khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn.

Chị Lê Thị Nga, ở phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Tôi đi mua sữa thì cũng chỉ để ý nhãn hiệu của sữa chứ không để ý cụ thể họ ghi như thế nào. Có một số hãng họ thay đổi tên, kiểu dáng, tôi phân vân không biết có vấn đề gì không. Thay đổi từ sữa công thức chuyển sang các sản phẩm dinh dưỡng, không biết thành phần dinh dưỡng có đảm bảo như cũ hay không?”

Không chỉ thay đổi cách đặt tên sản phẩm, khảo sát trên thị trường cho thấy, một số sản phẩm nằm trong danh mục áp giá trần của Bộ Tài chính, giờ đã nhanh chóng khoác lên mình một mẫu mã mới. Vinamilk vừa đưa thị trường sản phẩm mới Dielac Alpha Gold thay cho sản phẩm Dielac Alpha 123. Mead Johnson đưa ra thị trường sản phẩm mới Enfamil A+ 360 độ Grain Plus thay dòng sữa Enfamil A+ cũ, và Enfa Grow A+ 360 độ Brain Plus thay mẫu cũ Enfa Grow A+… Vẫn là những thành phần ấy nhưng thay đổi mẫu mã, thậm chí là thay đổi cả trọng lượng nhưng giá lại không thay đổi, một số sản phẩm giá còn tăng từ 3 đến 5% so với sản phẩm cũ. Để lách quy định áp trần giá sữa cho trẻ từ 1 đến 6 tuổi, một hãng sữa đã đề nhãn sữa dành cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi để không phải hạ giá bán.

Điều đáng nói là, trong cùng 1 sản phẩm, các hãng sữa cũng có sự không đồng nhất, khi cùng một sản phẩm thì trên hộp thiếc đề là sản phẩm dinh dưỡng, nhưng ở hộp giấy lại đề là sữa bột pha sẵn. Chị Trần Thị Hường, Chủ cửa hàng sữa trên phố Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội cho biết, một số khách hàng khi đến mua sản phẩm cũng có thắc mắc về tên gọi, mẫu mã, khi đó cửa hàng lại mất thời gian giải thích cho khách.

“Nhiều khách hàng hỏi tại sao không ghi là sữa bột mà ghi thực phẩm bổ sung, có khác nhau gì không. Tôi cũng chỉ biết giải thích đây là quy định, về bản chất không khác gì nhau. Hầu hết các hãng sữa đều đã thay đổi nhãn hàng, bao bì, trọng lượng. Nghiên cứu kỹ các nhãn hàng ghi trên này thấy nhiều sự mập mờ, gây khó khăn cho người bán, luôn luôn phải giải thích cho khách, nhiều khách không đủ kiên nhẫn để nghe.” – chị Hường cho biết.

Chính những động thái này của doanh nghiệp khiến cơ quan quản lý bối rối. Mới đây, Bộ Tài Chính đề nghị Bộ Y tế xác minh 30 sản phẩm núp dưới tên gọi khác để không bị áp giá trần. Kết quả ban đầu, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng 12/30 sản phẩm thuộc danh mục sữa phải bình ổn giá và 18 sản phẩm còn lại không phải là sữa và không thuộc diện bình ổn giá. Thế nhưng, sau khi rà soát lại hồ sơ của 18 sản phẩm này, Cục An toàn thực phẩm lại khẳng định tất cả các sản phẩm mà doanh nghiệp đặt tên là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung này đều nằm trong danh mục sữa phải thực hiện bình ổn giá.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dù là sản phẩm dinh dưỡng, công thức hay thực phẩm bổ sung, nhưng trong thành phần có sữa, bất kể tỷ lệ bao nhiêu, dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi đều thuộc diện phải quản lý giá.

Có thể thấy, căn cứ xác định sản phẩm là sữa hay không vẫn còn khá mơ hồ. Trong khi đó, sự phân loại và quản lý mặt hàng sữa còn thiếu thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Đây cũng chính là kẽ hở khiến các doanh nghiệp lợi dụng để né những quy định về quản lý giá sữa.

Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Hiện nay nhiều mặt hàng mới ra đời thực chất là sữa, nhưng không gọi là sữa mà gọi là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thức ăn công thức... để ra ngoài vòng quản lý của cơ quan quản lý giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Giữa các bộ, cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Khi mặt hàng được đưa ra phải đưa Bộ Y tế thẩm định sản phẩm có đúng là sữa hay không, phải mất thời gian khá lâu hoặc có sự chưa thống nhất, gây bất lợi cho công tác quản lý thị trường và bình ổn giá. Cho nên, các Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ, ngăn chặn được các chiêu trò lách luật để tăng giá sữa.”

Không thể phủ nhận việc thực hiện áp trần giá sữa cũng mang lại những kết quả bước đầu khá tích cực, khi giá sữa đã giảm từ 0,3-34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá này. Tuy nhiên, những chiêu trò của doanh nghiệp nhằm né tránh các biện pháp bình ổn giá cho thấy, cần thiết phải có sự quản lý thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, từ việc rà soát danh mục sản phẩm sữa và thực hiện quản lý nhà nước về giá đến việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện mức giá bán lẻ tối đa, ngăn chặn những chiêu trò lách luật của doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.