Trả lời câu hỏi của báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 29/10 về diễn biến trên thị trường xăng dầu trong nước thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, bất thường, dị biệt, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, đảm bảo nguồn cung, rà soát các hệ thống phân phối, đại lý kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu trong nước biến động mạnh là do nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao.

Gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, các cửa hàng bản lẻ xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán cầm chừng tập trung tại một số tỉnh, thành phố. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do nguồn cung không ổn định.

Mặt khác, do giá biến động lớn, phức tạp, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó khăn, thua lỗ liên tục nên đã phải cắt giảm các chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh, cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.

Ngoài ra, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, nguồn cung xăng dầu bị sụt giảm còn do một số nguyên nhân khác như tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, hạn mức tín dụng chưa được điều chỉnh đã ảnh hưởng tới sản lượng xăng dầu nhập về. Cùng với đó là việc tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, trong khi các chi phí này chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ.

Bên cạnh đó, việc một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ; việc mưa bão cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một loạt các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện về việc thông quan hàng hóa nhập khẩu, cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố trong giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu; khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Đặc biệt, cơ quan công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Chia sẻ về vấn đề hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, đối với hạn mức tín dụng xăng dầu, NHNN đã trao đổi với Bộ Công Thương cung cấp 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

"Hạn mức của 15 ngân hàng thương mại cấp cho 16 đầu mối xăng dầu hiện tại là chưa hết và còn tương đối thấp", ông Hà nói.

Phó Thống đốc NHNN nêu rõ: Qua phân tích, đánh giá của chúng tôi, tại sao lại có thông tin hết hạn mức? Thực ra vấn đề hạn mức như vậy gồm cho vay, cho vay đồng Việt Nam, cho vay ngoại tệ… các số dư đó đều thấp hơn rất nhiều so với hạn mức mà các ngân hàng đã cấp cho các đầu mối xăng dầu.

Vấn đề không hẳn ở phía ngân hàng mà ở phía doanh nghiệp. Có nhiều phương án tài chính chưa hiệu quả. Đây là vấn đề liên quan đến điều kiện vay vốn chứ không hẳn là vấn đề hạn mức tín dụng. Các đầu mối xăng dầu vẫn chưa sử dụng hết và thực ra là số dư khá lớn./.