Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng cao. Dự báo, dịp Tết năm nay, nhu cầu hàng hóa tăng 10-15% so với bình thường. Liệu có xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng đẩy giá bất hợp lý? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - về vấn đề này.
PV: Thưa ông, nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết tăng hơn so với bình thường. Việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa được thực hiện ra sao?
Ông Võ Văn Quyền: Năm nay kinh tế có dấu hiệu hồi phục, GDP tăng cao, sức mua cải thiện rõ rệt nên nhu cầu Tết cao. Theo dự báo của Tổ điều hành trong nước, năm nay dự báo nhu cầu Tết tăng 10-15% so với bình thường, và tăng khoảng 10% so với Tết năm ngoái. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương chuẩn bị lượng hàng dựa trên dự báo cung cầu, tổ chức hoạt động cung ứng đảm bảo cho Tết.
Hiện lượng dự trữ hàng hóa, gồm cả hàng bình ổn trị giá lên tới 230 nghìn tỷ đồng. Với nhiều chương trình bình ổn giá, hoạt động cung ứng cho thấy hàng hóa Tết chuẩn bị sẵn sàng, tránh thiếu hàng sốt giá.
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương |
PV: Hiện nay, công tác tổ chức hệ thống phân phối, điều tiết giữa các vùng, miền, đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Văn Quyền: Hàng hóa được đưa vào lưu thông ở hơn 8.600 chợ, hơn 750 siêu thị, hơn 150 trung tâm thương mại và hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, cũng như hơn 1 triệu cửa hàng tham gia cung ứng hàng hóa.
Bên cạnh những điểm cố định đó thì có hàng ngàn chuyến hàng đưa hàng Việt về nông thôn, điểm bán hàng Tết về khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa, vùng núi, hải đảo…cùng với các điểm bán hàng bình ổn tạo ra những kênh phân phối rộng khắp ở các địa phương, làm cho hàng hóa được lưu thông, hàng hóa bình ổn nói riêng và hàng hóa nói chung được phủ rộng làm cho cung cầu ổn định. Riêng Hà Nội và TPHCM có gần 10 trung tâm bán hàng lưu động ở ngoại thành, và tổ chức trên 390 chuyến hàng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình bình ổn giá, góp phần bình ổn thị trường dịp Tết ra sao, thưa ông?
Ông Võ Văn Quyền: Năm nay, hơn 40 tỉnh, thành có chương trình bình ổn giá dịp Tết. Đáng chú ý là sự tham gia của ngân hàng trong chuỗi liên kết, sự tự nguyện tham gia của các doanh nghiệp. Chỉ có khoảng 17 địa phương hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất bình ổn giá từ ngân sách. Còn lại phần lớn doanh nghiệp tham gia bình ổn dịp Tết năm nay tự thu xếp vốn, giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Chương trình bình ổn giá ngày càng được xã hội hóa, từng bước đi theo thị trường nhiều hơn, ngoài việc giữ bình ổn thị trường giá cả còn tạo lan tỏa và phạm vi bình ổn tăng lên. Doanh nghiệp tham gia bình ổn giảm giá 3-10%, làm cho tâm lý thị trường không biến động, hạn chế “tát nước theo mưa”.
PV: Dịp Tết, nhu cầu hàng hóa tăng cao, dễ xảy ra tình trạng gian lận thương mại, găm hàng đẩy giá bất hợp lý. Vậy công tác kiểm soát giá cả trong dịp Tết năm nay được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Văn Quyền: Những năm gần đây hạn chế được việc lợi dụng đẩy giá lên cao là do công tác tổ chức nguồn hàng, tổ chức thị trường tốt hơn. Lạm phát kỳ vọng hay tát nước theo mưa do yếu tố tâm lý ngày càng hạn chế.
Tuy nhiên, có thể trong dịp này có đối tượng lợi dụng đầu cơ ở một số thời điểm, địa bàn hoặc lợi dụng đưa hàng không đảm bảo vào thị trường. Cho nên Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra bình ổn giá tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM…các địa phương vùng sâu vùng xa. Đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng như quản lý thị trường vào cuộc tăng cường kiểm tra kiểm soát về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống hành vi tăng giá bất hợp lý.
Cùng với đó là chống gian lận thương mại, hàng lậu hàng giả. Thời gian gần đây cơ quan chức năng bắt giữ nhiều vụ việc cho thấy quyết tâm của các cơ quan kiểm soát thị trường, thiết lập lại thị trường dịp Tết.
PV: Xin cảm ơn ông!