Đìu hiu các cửa hàng giảm giá

Tại các tuyến phố tập trung nhiều cửa hiệu kinh doanh quần áo, giầy dép, mũ, kính như Hàng Bông, Bà Triệu, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Cầu Giấy…dễ dàng nhận thấy các tấm biển giảm giá với mức phổ biến là 50%, thậm chí có cửa hàng giảm giá 70% đến 90%..., chủ yếu giảm giá trên các sản phẩm may mặc. Cụ thể: Các thương hiệu nổi tiếng như Nem, Chicland, Format, Eva de Eva..., bình thường một sản phẩm có giá từ 1,5 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng thì hiện mức giá chỉ còn từ 700.000 đến hơn 1 triệu đồng. Một số nhãn hàng hiệu có giá "bình dân" như Mango, Gap, Tonny thu hút đông đảo khách xem và mua hàng với mức giá từ 149.000 – 199.000 đồng/sản phẩm; quần bò Levis có giá từ 1,3 triệu đến hơn 3 triệu đồng/chiếc giảm một nửa vẫn còn 700.000 đến 1,5 triệu đồng.

levis_qmoi.jpgCửa hàng Levis giảm giá lên tới gần 50% song vẫn vắng khách

Tại Công ty thời trang Gen Việt chuyên đồ jeans đang có đợt giảm giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay với mục đích xả kho hàng, giảm giá mạnh trên tất cả các sản phẩm. Những sản phẩm dành cho trẻ em được giảm giá trực tiếp 80.000 – 100.000 đồng/sản phẩm. Hàng dành cho người lớn đang có mức giá 268.000 – 368.000 đồng/sản phẩm, giảm xuống mức giá 98.000 – 168.000 đồng/sản phẩm. Chiến dịch giảm giá lần này nhằm mục đích kích cầu mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời đẩy được hàng tồn để chuẩn bị cho ra bộ sưu tập thời trang thu đông. Chấp nhận lỗ vốn và giảm giá đến mức thấp nhất từ trước tới nay, hãng đang thu hút lượng lớn khách hàng bình dân.

Bà Hoàng Thị Thanh Phương, Trưởng phòng Marketing Công ty cổ phần thời trang GenViet cho biết: “Ngay những ngày đầu tiên của đợt tổng lực xả kho, khách hàng đến rất đông, một lượng lớn hàng đã tiêu thụ hết. Cả doanh thu và lượng sản phẩm bán ra tăng rất nhiều. Có cửa hàng mức tăng gấp 40-50 lần so với những ngày bình thường. Bình quân mỗi khách hàng đều mua ít nhất 2-3 sản phẩm.”

Hãng giầy Bata giảm 50% nhưng lượng khách ghé thăm và mua không nhiều

Cùng với quần áo, giày dép, những mặt hàng không liên quan tới tính thời vụ nhiều như Vali, đồng hồ, mỹ phẩm, đồ trang sức, đồ chơi trẻ em,... cũng có mức giảm từ 10 - 50%. Mặt hàng chăn ga bình dân giảm giá từ 99.000 đồng tới 499.000 đồng.  Nhiều cửa hàng giầy, dép còn bán hàng đồng giá với mức giá  500.000 đồng/sản phẩm cho rất nhiều mẫu giày và sandal, trong khi giá niêm yết cũ của sản phẩm từ 1,8 triệu đồng tới 2,1 triệu đồng…Chị Phạm Thị Diễm Hằng, chủ cửa hiệu Hằng Linh ở phố Thành Công, Hà Nội cho biết, do xu hướng thời trang thay đổi theo từng năm nên cứ đến cuối mùa, cửa hàng chấp nhận bán hòa vốn, thậm chí lỗ vốn để đẩy hết hàng tồn. Với những sản phẩm bình thường có giá trên 1 triệu đồng, giờ giảm xuống còn 300.000 – 400.000 đồng mà vẫn ít người mua.

Không chỉ các cửa hàng mặt phố mới có nhiều chương trình giảm giá. Tại những trung tâm thương mại lớn như Vincom, Parkson, Tràng Tiền Plaza hoặc tại hệ thống cửa hàng uỷ quyền, nhiều hãng thời trang danh tiếng treo biển giảm giá lên đến 50% nhưng cũng rất ít khách, thậm chí, nhân viên còn nhiều hơn khách hàng.

Cẩn trọng với hàng giảm giá

Vì sao nhiều cửa hàng giảm giá mà lại không thu hút khách? Một số người tiêu dùng cho biết, nhiều cửa hàng treo biển “sale off”, nhưng chỉ giảm giá cho rất ít mặt hàng hoặc giá chỉ giảm mạnh ở những mẫu sản phẩm đã lỗi thời, hàng hết số, mẫu mã xấu, chất lượng kém, không được nhiều người ưa chuộng. Một số mặt hàng sau khi đã giảm vẫn có giá khá cao. Cụ thể, hãng giầy Bata đang có chương trình giảm giá 50%, từ hơn 1 triệu đến 3 triệu đồng/một đôi giầy, giảm xuống còn 500 đến 1,5 triệu đồng/đôi; Đồng hồ Thụy sĩ Candido có mức giá từ 4 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng/sản phẩm cũng áp dụng giảm 20% giá bán trên mỗi sản phẩm…Với mức giá giảm như vậy vẫn chưa thu hút được khách hàng bình dân.

Nhiều cửa hàng giảm giá sâu nhưng vẫn vắng khách

Chị Nguyễn Thị Điệp, ở quận Hoàn Kiếm cho biết: “Bây giờ kinh tế khó khăn, đồng lương eo hẹp nên mua sắm gì mình cũng phải cân nhắc. Nhiều cái thích nhưng tôi phải chờ đến lúc sale, giá hợp lý mới mua được.”

Bên cạnh đó, nhiều người như chị Đoàn Thanh Loan ở Gia Lâm cho rằng, mặc dù các cửa hàng đưa ra mức giá giảm lớn nhưng chưa chắc chất lượng và giá cả đã tương xứng. Đấy là chưa kể, nhiều cửa hàng không có trách nhiệm với hàng giảm giá nếu chẳng may hàng bị lỗi.

“Quanh khu tôi sống có khá nhiều cửa hàng thời trang như Nem, Format, Chicland giảm giá khá nhiều, nhưng mà giá vẫn rất đắt so với thu nhập của tôi. Nhiều mẫu mã chủ yếu là hàng nhái theo các hãng nổi tiếng, chất lượng kém, không thể mua được. Các cửa hàng treo biển hiệu giảm 50%-70% nữa, hầu như không thể chọn được đồ phù hợp cho mình”, chị Loan chia sẻ.

“Té nước theo mưa”, bên cạnh những cửa hàng giảm giá thật, không ít cửa hàng giảm giá kiểu "treo đầu dê bán thịt chó"..., tự nâng giá rồi tự ý giảm giá. Chị Lê Phương Hiền ở quận Đống Đa sau nhiều lần mua hàng giảm giá đã rút kinh nghiệm quý báu cho bản thân: “Tôi đã từng nhiều lần mua đồ giảm giá và thấy tiền nào của đấy. Rõ ràng là sale nhưng hàng kém chất lượng hơn hoặc là vẫn giá đấy nhưng trước đó lên một chút, sau đó là giảm giá. Cụ thể như tôi đã mua 1 chiếc áo cách đó 2 tuần với giá là 50.000 đồng. Đến khi thấy sale, vẫn cái áo đó, chất lượng như thế, vào mua thì giảm giá rồi vẫn là 50.000 đồng. Như vậy, giá thật của chiếc áo đã bị tăng lên và khi giảm rồi thì vẫn bằng giá tôi mua lúc trước. Tôi cảm thấy không hài lòng với điều đó.”

Kinh tế đang dần hồi phục, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khuyến mãi nhằm thu hồi vốn hoặc cắt lỗ. Thực tế cho thấy, để thu hút khách, không chỉ là giảm giá mà quan trọng doanh nghiệp phải đảm bảo được uy tín qua mẫu mã và chất lượng sản phẩm./.