Vòng đàm phán thứ 15 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào giai đoạn cuối. Các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam kỳ vọng sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi vào các thị trường là đối tác tham gia hiệp định. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong quá trình hội nhập thế giới.

Một trong những nguyên tắc cơ bản để được hưởng mức thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng dệt may sang các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là nguyên liệu sử dụng được sản xuất ở nước sở tại, hoặc sử dụng nguyên liệu của các nước thành viên tham gia Hiệp định. Vì thế các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực tăng tỷ lệ nội địa hóa để được hưởng ưu đãi này.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, mặc dù các doanh nghiệp trong nước không ngừng cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hoá  sản phẩm, song vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Vì vậy, nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài được kỳ vọng sẽ tạo đột biến về tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng may mặc Việt Nam.

Chính phủ vừa thông qua Chiến lược phát triển  ngành Dệt may Việt Nam đến năm 2020. Chiến lược xác định rõ việc tạo chuỗi cung ứng liên kết giữa các doanh nghiệp, từ xe sợi dệt vải, thiết kế, may mặc đến bán hàng là yếu tố quan trọng nhất để các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam được hưởng các ưu đãi của Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương.

“Lộ trình chuẩn bị của ngành dệt may trong nhiều năm qua với tình huống hội nhập quốc tế mới là tập trung cải thiện giá trị gia tăng trong nước, tăng mức độ chủ động trong tất cả các khâu, đặc biệt là khâu thiết kế và chuẩn bị nguồn nguyên liệu. Quá trình này đang diễn ra trong hàng chục năm qua, kể từ khi Chính phủ chuẩn bị thương lượng song phương FTA với Hoa Kỳ, WTO và hiện là TPP. Những chuẩn bị này trong nhiều năm đã từng bước cải thiện giá trị gia tăng của ngành dệt may, từ chỗ chỉ từ 25-30% nội địa hóa, bây giờ chúng ta đã có xấp xỉ 50% nội địa hóa”- ông Lê Tiến Trường cho biết thêm./.