Thực tế cho thấy, việc Hà Nội chậm triển khai quy hoạch đang để lại nhiều hệ lụy khu vực hai bên sông Hồng, từ môi trường sinh thái, quản lý đất đai, cuộc sống người dân...
Tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, nơi có khoảng 370ha đất ngoài bãi sông Hồng, với 3.000 hộ dân sinh sống là dẫn chứng cho thấy những phát sinh từ thực trạng chậm triển khai quy hoạch. Chính vì thực trạng “lơ lửng”, nên dù sinh sống bao đời nay, nhưng người dân khu vực ngoài bãi vẫn không được cấp phép, xây mới nhà cửa; việc thế chấp, vay vốn, chuyển nhượng cũng gặp rất nhiều khó khăn, tác động lớn đến đời sống dân sinh.
Ông Nguyễn Đình Công, Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cho biết: “Bây giờ người dân xin cải tạo sửa chữa nhà cũng là vấn đề khó khăn với chúng tôi. Cho làm hay không cho làm? Cho làm đến mức độ nào. Nếu để bà con xây dựng không có phép là mình có lỗi, mà không để cho bà con làm thì áy náy”.
Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là vấn đề được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm. (Ảnh minh họa: KT) |
Không chỉ cuộc sống người dân bị ảnh hưởng - khi “đi không được, ở không xong”, việc quy hoạch chưa được phê duyệt, chưa đưa đất vào sử dụng theo chức năng ô đất đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy trong quản lý tài nguyên đất.
Thời gian qua, dọc hai bên bờ sông Hồng, nhất là qua địa bàn các quận, tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép như trạm trộn bê tông, nhà xưởng; đổ trộm phế thải rác thải luôn “nóng”. Việc nhiều tổ chức, cá nhân “ôm” hàng chục ha đất được cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích dọc bờ sông Hồng qua địa bàn Hà Nội đã làm “dậy sóng” dư luận nhiều năm trước.
Ông Trần Văn Quang, trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho rằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng cũng như nhiều vấn đề xã hội khác đang là một tồn tại dọc bờ bãi sông Hồng, không riêng phường Nhật Tân. Nếu hai bên bờ sông Hồng chậm triển khai quy hoạch sẽ kìm hãm sự phát triển của đô thị Hà Nội, nhất là khu vực các quận.
“Quy hoạch bãi sông Hồng treo như vậy phát sinh rất nhiều vấn đề từ an ninh trật tự, môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân chúng tôi”,ông Trần Văn Quang nói.
Trả lời cử tri trong buổi tiếp xúc mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đầu năm 2016, thực hiện theo quyết định 217 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, Ủy ban thành phố đã kêu gọi nguồn vốn của tư nhân và nguồn lực của thành phố để tiến hành quy hoạch. Trong đó có việc quy hoạch đê kết hợp với đường ở hai bên bờ sông. Hiện, thành phố đang hoàn thiện đồ án và trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt tại kỳ họp tháng 12/2019.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cũng cho biết thêm, khu vực ngoài bờ sông Hồng hiện có gần 1 triệu dân sinh sống, kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Phú Xuyên. Nếu không phê duyệt được quy hoạch thì không thể xây dựng được điện, đường, trường trạm.
“Quan điểm của thành phố là muốn đê kết hợp với đường, đảm bảo cho mức 500 năm. Báo động 3. Đê kết hợp với đường không phải giải phóng mặt bằng. Nếu không chúng ta phải giải phóng mặt bằng 200.000 hộ. Cùng với đó, tạo được giao thông đường thủy cho phát triển du lịch và có điều kiện đủ quỹ đất để người dân cải thiện không gian sống mà hiện nay đang chen lấn tại khu vực ven sông”,ông Nguyễn Đức Chung cho hay.
Rõ ràng, việc chưa có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống người dân, quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Hơn bao giờ hết, người dân Thủ đô cần sự rốt ráo của chính quyền, ngành chức năng thành phố hiện thực hóa đề án quy hoạch rất được chờ đợi này./.
Người nêu ý tưởng quy hoạch sông Hồng cách nay 10 năm lên tiếng