Tại cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện và chủ đầu tư về tiến độ triển khai các công trình, cụm công trình trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu các đơn vị "xốc" lại tiến độ của các dự án.

Trong số 37 dự án trọng điểm, TP đã giãn tiến độ, thậm chí dừng đầu tư một số dự án và chọn ra 10 dự án "trọng điểm của trọng điểm" nhằm tập trung nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2015.

Có chuyển biến

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, tính đến hết năm 2013, TP đã hoàn thành 5 dự án cầu vượt; hoàn thành và thông xe đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu và khởi công đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng.

dg.jpg
Đường vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) thông xe tháng 1/2014. (Ảnh: Hải Linh)

Hiện, các đơn vị liên quan đang tập trung triển khai các dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái; xây dựng và cải tạo Bệnh viện đa khoa Đức Giang; đường 5 kéo dài; mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (giai đoạn 2); dự án trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Hòa Lạc…

Ông Nguyễn Gia Phương - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, thời gian qua, TP đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, đặc biệt là đã có sự linh hoạt trong công tác bố trí vốn nên tiến độ nhiều công trình trọng điểm đã đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù vậy vẫn còn 22 dự án chậm tiến độ.

Nguyên nhân chủ yếu là do khâu GPMB bị gián đoạn (đường Vành đai 1, 2, các dự án đường sắt đô thị, dự án thoát nước…); địa điểm đề xuất một số dự án phải điều chỉnh hoặc thay đổi.

Bên cạnh đó, nguồn lực hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Một số dự án trọng điểm thực hiện theo hình thức hợp đồng BT không có khả năng triển khai nên chuyển sang sử dụng ngân sách cũng làm khó khăn thêm cho công tác cân đối nguồn lực…

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá, tiến độ giải ngân của năm 2013 khá tốt. Trong quý I/2014, đã giải ngân các công trình trọng điểm đạt 31%, khá cao so với các năm trước. Điều này cho thấy sự tập trung, quyết liệt của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư, đặc biệt các địa phương trực tiếp cùng Ban Chỉ đạo GPMB TP thực hiện công tác GPMB. Sự phối hợp của các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, địa phương đã có chuyển biến mạnh.

Nhu cầu vốn rất lớn

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Sở KH&ĐT kiến nghị UBND TP chấp thuận phát hành trái phiếu Thủ đô giai đoạn 2014 - 2015 để liên ngành sớm triển khai phát hành đợt 1 năm 2014 (dự kiến trong quý II/2014 với khoảng 2.000 tỷ đồng).

Đối với nhóm công trình, dự án khởi công trong năm 2014, 2015, đề nghị TP chỉ đạo chủ đầu tư rà soát lại toàn bộ dự án, điều chỉnh quy mô đầu tư theo hướng đề xuất các hạng mục thực sự cấp thiết, ưu tiên để bảo đảm mục tiêu dự án.

Bên cạnh đó, để tạo nguồn lực, TP chỉ đạo rà soát đối với các quỹ đất dự kiến đối ứng các dự án BT dừng triển khai thực hiện, cho đấu giá, đấu thầu để bổ sung nguồn lực.

Theo báo cáo của các đơn vị, có thể thấy, mặc dù TP đã chọn ra 10 công trình để hoàn thành trong 2014 - 2015, nhưng nhu cầu về vốn của các dự án "trọng điểm của trọng điểm" cũng đang vượt quá khả năng đáp ứng.

Chỉ riêng dự án đường 5 kéo dài đã cần 1.100 tỷ đồng trong năm 2014; Dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng còn thiếu 610 tỷ đồng. Về vốn đối ứng phục vụ các dự án ODA, theo tiến độ năm 2014, tuyến đường sắt đô thị số 3 cần 380 tỷ đồng để GPMB 4 ga ngầm thuộc 3 quận. Như vậy, chỉ tính 3 dự án đã "ngốn" hết số tiền 2.000 tỷ đồng dự kiến phát hành trái phiếu Thủ đô.

Trước tình hình khó khăn về nguồn vốn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu trước ngày 30/4 phải rà soát lại toàn bộ 37 công trình, 55 hạng mục để báo cáo Thành ủy, UBND TP.

Về Đề án phát hành trái phiếu, TP sẽ xem xét nhưng hiện có rất nhiều nguồn vốn, vì vậy, các sở, ngành cần quan tâm để kết hợp các nguồn cho dự án như vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Thủ đô, vốn xã hội hóa…

Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý, dù có vốn không có nghĩa là sẽ làm xong công trình bởi trên thực tế còn có nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là công tác GPMB. Các đơn vị liên quan cần nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả giám sát chất lượng công trình để thực hiện đúng các thủ tục đầu tư và đảm bảo chất lượng công trình, không để xảy ra vấn đề sai sót, phức tạp./.