Tại cuộc họp báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 3/2013 tổ chức vào ngày 26/3/2013, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề cập đến các gói tín dụng của Chính phủ và Ngân hang Nhà nước nhưng người dân không tiếp cận được và liệu các gói tín dụng có đến được đúng địa chỉ hay không? Về nội dung này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước trả lời như sau:

Thứ nhất,cho đến thời điểm hiện nay chưa có một gói tín dụng dành cho đối tượng hoặc địa phương nào (không như ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói có gói tín dụng 30.000 tỷ dành cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long). Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ đối với một số lĩnh vực. Đối tượng thông qua cơ chế chính sách đặc thù đối với lĩnh vực hoặc đối tượng đó. Ví dụ, người nông dân có nhu cầu vốn không lớn để trồng trọt và chăn nuôi nhưng không có tài sản làm đảm bảo khoản vay, Nghị định 41 và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước quy định các TCTD cho vay không có tài sản đảm bảo lên tới 50 triệu (đối với cá nhân, hộ gia đình), 200 triệu (đối với hộ sản xuất kinh doanh, sản xuất ngành nghề) và 500 triệu đối với hợp tác xã, chủ trang trại) hoặc Công văn số 1149 ngày 8/8/2012 của Chính phủ, cho phép các hộ chăn nuôi, nuôi tôm, cá tra gặp khó khăn không trả nợ đúng hạn thì các TCTD có thể giãn nợ tối đa tới 24 tháng… Nhưng chính sách này không liên quan gì đến các gói tín dụng cụ thể của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mà cho vay từ nguồn vốn huy động của các TCTD.

Thứ hai, những chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho một số lĩnh vực, đối tượng. Trong những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn khả quan và cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế. Những kết quả sản xuất, xuất khẩu trong các lĩnh vực lúa gạo, cà phê, thủy sản của ngành nông nghiệp trong những năm qua là có sự phục vụ đầy đủ về vốn của ngành ngân hàng. Về ý kiến cho rằng các hợp tác xã bị ngân hàng từ chối cho vay là chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực tế, mang tính cá biệt và việc cho vay phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hấp thụ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của chính hợp tác xã. Mặt khác, các xã viên trong hợp tác xã là các hộ gia đình cũng là chủ thể sản xuất kinh doanh đã được TCTD cho vay.

Thứ ba, Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ quy định các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, bao gồm có hỗ trợ về đất đai, thuế, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… không có hỗ trợ về tín dụng, vì vậy kết quả thực hiện Nghị định 61 không phản ánh việc tiếp cận vốn vay các TCTD của doanh nghiệp đầu tư./.