Không chỉ đầu tiên trong thực hiện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, Cà Mau còn là tỉnh rất quyết liệt trong xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Vào tháng 10/2017, Liên minh Châu Âu (EU) công bố “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác nước ta. Chính phủ ngay sau đó đã triển khai các giải pháp tháo gỡ. Tỉnh Cà Mau xác định, việc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá là biện pháp hiệu quả để quản lý tàu cá, không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Từ cuối năm 2017, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã đặt hàng các nhà mạng nghiên cứu, thiết kế từ phần cứng (thiết bị VMS) đến phần mềm (hệ thống giám sát) dành cho tàu cá. Cà Mau cũng đưa đoàn công tác sang Thái Lan học tập kinh nghiệm nhiều lần. Những việc làm cụ thể đó thể hiện cho sự quyết tâm vào cuộc và thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã ra đời để thử nghiệm.
Đến giữa năm 2018, “trái ngọt” đã đến khi các thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã đáp ứng được các tính năng “xác định chính xác đường đi, vận tốc, cảnh báo khi cần thiết; Lưu trữ, truy xuất được dữ liệu trong suốt quá trình tàu cá hoạt động trên biển…”. Tỉnh Cà Mau có ngay Kế hoạch số 72 về việc triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình cho các tàu tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên và trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc này.
Bên cạnh đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền, khuyến khích, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau còn triển khai các giải pháp bắt buộc, như: tàu cá 15 mét trở lên không lắp thiết bị giám sát không cho ra khơi.
Anh Trần Thái Điền, chủ tàu cá ở xã Khánh hội, huyện U Minh chia sẻ: “Tôi lắp để Biên phòng giám sát xem mình có đi ra nước ngoài không. Theo dõi để tàu không có làm bên nước ngoài. Khi gắn máy, khi ra máy có nhận được tín hiệu mới được, còn nếu mà coi nó không thu được tín hiệu thì phải sửa mới được ra đánh bắt”.
Đến nay, 100% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của tỉnh Cà Mau đã được lắp đặt. Việc quản lý, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài mang lại hiệu quả rất cao. Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, trước đây, không đơn vị chức năng nào biết được tàu cá nằm ở đâu khi ra biển. Giờ không chỉ ngành Thủy sản mà lực lượng Biên phòng cũng nắm rất rõ, tàu số hiệu nào đang ở tọa độ nào. Chỉ cần ra tới vùng giáp ranh là cơ quan chức năng nhắc nhở, cố tình vi phạm thì đã có căn cứ cụ thể để xử lý nghiêm, thậm chí tịch thu tàu đánh bắt.
Vào tháng 3/2021, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.V.D. (ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau) 1 tỷ đồng vì hành vi “Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia khác, không có giấy phép”. Ông D. cũng bị tịch thu tàu cá vi phạm. Ban đầu ông D. phản ứng, tuy nhiên, khi cơ quan chức năng cung cấp dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình ghi lại, ông đã thừa nhận hành vi vi phạm.
Mới đây, ông N.V.K. (ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cũng đã bị xử phạt số tiền gần 1,4 tỉ đồng và bị tịch thu tàu cá cũng vì những vi phạm trong quá trình đánh bắt hải sản. Những biện pháp quyết liệt, mạnh tay của cơ quan chức năng Cà Mau đã góp phần điều chỉnh hành vi của người vi phạm. Số vụ vi phạm vùng biển nước ngoài tại Cà Mau đã giảm dần đều trong những năm qua.
Ông Nguyễn Hoàng Chiến, ngư dân làm nghề lưới vây ở xã Khánh hội, huyện U Minh chia sẻ: “Tôi được tuyên truyền là đừng có sai phạm vùng biển nước ngoài, đừng xâm phạm vùng biển các nước để mình để tháo gỡ được thẻ vàng. Mình đừng xâm phạm người ta, người ta đừng xâm phạm mình để vì lợi ích chung. Tôi thống nhất cao thôi chứ không có gì, này là vì lợi ích chung góp phần gỡ thẻ vàng cho Việt Nam mình”.
Ngoài triển khai các chế tài, tỉnh Cà Mau xác định, vì một nghề cá bền vững, quan trọng nhất vẫn là phải tác động vào ý thức, làm thay đổi nhận thức của ngư dân. Cụ thể hóa cho điều này, các đơn vị chức năng liên quan, liên tục tăng cường công tác tuyên truyền Luật thủy sản, quy định về Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định...
Ông Đỗ Thanh Dân, Phó Trưởng phòng Nông Nghiệp - Phát triển nông thôn huyện U Minh nêu rõ các giải pháp: “Các ngành chức năng của huyện trong thời gian qua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với UBND các xã ven biển, tuyên truyền đến tận chủ phương tiện và thuyền Trưởng các quy định của Nhà nước về vấn đề chống khai thác hải sản trái phép. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thành lập cái tổ khai thác an toàn trên biển để họ hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn, thiên tai, nhất là không khai thác vùng biển nước ngoài. Qua đó, bảo vệ cái tài sản của người dân và thực hiện đúng pháp luật của nước ta quy định trong việc đánh bắt hải sản trái phép”.
Bằng sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, tỉnh Cà Mau đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, qua đó, quản lý hiệu quả tàu cá. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, cùng với việc triển khai các giải pháp đảm bảo răn đe đã giúp người dân địa phương nâng cao ý thức trong đánh bắt hợp pháp, đảm bảo các quy định, qua đó, góp phần vào quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng”./.