Thời gian gần đây, nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc có thể đóng cửa một số cửa khẩu với Việt Nam. Kinh tế Việt Nam liệu có khó đạt được tăng trưởng 5,8% khi quan hệ thương mại với Trung Quốc bị ảnh hưởng không?
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và khẳng định, không có chuyện đóng cửa biên giới như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin. Tuy nhiên, nếu tình huống xấu này xảy ra, Việt Nam sẽ không chịu bó tay mà phải chủ động tìm được bạn hàng khác thay thế. Chính sách biên mậu cũng đang được chỉnh sửa để phù hợp với hoạt động xuất khẩu và hội nhập quốc tế.
Trao đổi với PV VOV, PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc thì cần có sự phối hợp từ các ban ngành đến các doanh nghiệp, hộ nông dân; cũng như có sự nhận thức đúng đắn khi thực hiện hoạt động giao thương với thương lái nước ngoài.
PV: Liệu chúng ta sẽ gặp phải khó khăn gì nếu Trung Quốc có thể đóng cửa một số cửa khẩu và kiểm soát chặt giao thương biên mậu, thưa ông?
PGS. TS Phạm Tất Thắng: Từ khi Việt Nam mở cửa thị trường, việc buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được mở rộng. Tốc độ tăng trưởng của năm sau so với năm trước luôn đạt 15-22%. Thông qua việc giao thương này, cả hai bên đều cùng có lợi.
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 ở thềm lục địa Việt Nam, có rất nhiều thông tin sai lệch được đưa ra, ví dụ như Trung Quốc đóng cửa các cửa khẩu. Bộ Công Thương khẳng định đây là chuyện chưa xảy ra.
Gần đây nhất, cũng có thông tin vải thiều của Trung Quốc nhập ngược trở về Việt Nam. Đây cũng là thông tin không có thật. Do vậy chúng ta cần hết sức lưu ý trước những thông tin này.
Có thể thấy rằng, thị trường Trung Quốc là một thị trường xuất nhập khẩu chủ chốt của Việt Nam, chiếm tới 1/3 sản lượng xuất khẩu nông sản của nước ta. Đặc biệt, ở một số mặt hàng, con số này còn lớn hơn nhiều, ví dụ như mủ cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu; hạt điều xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20%, sắn chiếm 100%, thanh long chiếm 67%. Có những thời kỳ, tại cửa khẩu Tân Thanh vào mùa vải thiều, kim ngạch xuất khẩu vải lên tới 500-700 tấn/ngày.
Do vậy, Việt Nam cũng phải có phương án dự phòng trong trường hợp có lý do gì đó khiến các cửa khẩu này hạn chế xuất nhập khẩu.
PV: Một vấn đề đặt ra là từ trước tới nay, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu là buôn bán biên mậu, còn xuất khẩu chính ngạch rất ít, do vậy hàng hóa của ta gặp rủi ro khá lớn. Theo ông, để tránh phụ thuộc và giành thế chủ động, nước ta cần có chính sách biên mậu ra sao?
PGS. TS Phạm Tất Thắng: Việt Nam và Trung Quốc kể từ khi trở thành thành viên WTO đều muốn phát triển quan hệ thương mại chính ngạch theo nguyên tắc của WTO. Tuy nhiên, có một yếu tố khách quan là đường biên giới giữa hai nước dài, có rất nhiều cửa khẩu, thuận tiện cho việc buôn bán nhỏ lẻ, biên mậu, tiểu ngạch. Do vậy, hình thức biên mậu cũng sẽ vẫn diễn ra trong một thời gian dài tới. Vấn đề là chúng ta có giải pháp gì để hạn chế tối đa sự lộn xộn, rủi ro qua hình thức này.
Gần đây, có một hiện tượng là thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, họ hướng dẫn cho nông dân chúng ta đóng gói, bao bì theo yêu cầu của họ. Có thể thấy thủ tục qua cửa khẩu khá đơn giản và việc đi lại cũng không tốn thời gian, do vậy, nếu chúng ta biết cách tổ chức, có thể đưa buôn bán biên mậu vào trật tự là một việc tốt, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người dân.
Nhìn chung, bên cạnh việc đẩy nhanh tỷ trọng xuất khẩu theo chính ngạch, chúng ta cũng cần lưu tâm tới việc hạn chế sự lộn xộn, rủi ro thông qua hình thức tiểu ngạch, biên mậu.
PV: Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc không chỉ giảm bớt quan hệ về kinh tế mà là thay đổi chất lượng của mối quan hệ này, bao gồm thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng của các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Ông có ý kiến gì về nhận định này, thưa ông?
PGS. TS Phạm Tất Thắng: Chủ trương của Việt Nam là làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam không bị phụ thuộc vào bất cứ một thị trường nào, không “bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán sự rủi ro, trong đó bao gồm cả thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy một điều là khi ở bên cạnh một thị trường khổng lồ, một công xưởng khổng lồ của thế giới thì chúng ta vừa bị chi phối mà cũng vừa được hưởng lợi từ thị trường này. Do vậy, cần phải tỉnh táo, tìm ra giải pháp để hạn chế tiêu cực, hạn chế phụ thuộc và tăng cường lợi ích từ thị trường này.
Tuy nhiên, để làm được điều này thì Việt Nam cần phải có sự thay đổi toàn diện, cả năng lực quản lý cũng như đầu tư cơ sở vật chất.
Ví dụ, đối với mặt hàng thanh long có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là một con số rất lớn. Tuy nhiên, để giảm xuất khẩu sang Trung Quốc, mở rộng sang các thị trường khác thì không phải là điều dễ dàng. Cụ thể, nếu muốn xuất khẩu thanh long sang Đài Loan, thanh long phải được chiếu nhiệt để diệt trừ mầm bệnh, xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Nhật thì phải chiếu xạ thì mới đạt tiêu chuẩn chất lượng của các nước này. Mặt hàng cao su cũng vậy, nếu chỉ xuất khẩu mủ tươi và chỉ qua sơ chế thì chúng ta chỉ có thể xuất khẩu được sang Trung Quốc.
PV: Xin cảm ơn ông!./.