Việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng sẽ đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khu vực vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí đi lại và đảm bảo an toàn cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng.

vov_giao_dich_luu_dong_npjn.jpg
Những khách hàng là bà con nông dân n thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch lưu động xã Phong Mỹ.

Gia đình ông Nguyễn Mừng, ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Trước đây do thiếu vốn nên không thể mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ năm 2015, ông Mừng mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank-Chi nhánh huyện Phong Điền 500 triệu đồng, cùng với số tiền dành dụm, ông mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư mua máy gặt lúa, máy cày phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ mở rộng quy mô và làm dịch vụ hiệu quả nên chỉ sau thời gian ngắn thu nhập của gia đình ông đã có sự thay đổi lớn, có của ăn của để.

"Chương trình vay vốn của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giúp cho người dân rất nhiều trong việc làm ăn, thứ hai giúp phát triển kinh tế hộ gia đình. 3 năm vay vốn thì 2 năm đầu mình trả gốc và lãi đến năm thứ 3 thì mình trả hết. Công việc làm ăn vẫn ổn định, kinh tế trong gia đình  khi mình làm trừ chi phí xong mỗi năm lãi cũng được 60 đến 70 triệu đồng", ông Mừng cho hay.

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Thừa Thiên-Huế mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, vươn lên làm giàu.

Điểm giao dịch bằng xe lưu động sẽ cung cấp hầu hết các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đến với bà con nông dân.

Ông Trần Đình Năng, ở thôn Thượng An, xã Phong An, huyện Phong Điền tham gia làm trang trại ở vùng đồi xã Phong An hơn 10 năm nay. Trang trại của gia đình có diện tích hơn 2 ha. Do thiếu vốn, ông chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, trồng các loại cây ngắn ngày. Cuối năm 2017, sau khi suy tính kỹ, ông mạnh dạn vay 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng chuồng trại, mở rộng chăn nuôi heo thịt theo quy trình khép kín với quy mô 4.000 con/năm.

Ông Trần Đình Năng tính toán, nếu trừ chi phí sản xuất thì mỗi năm trang trại của ông thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng.

Ông Năng chia sẻ, "Hồi trước trồng các cây nông nghiệp ngắn ngày lãi suất ít, mình thấy chăn nuôi có hiệu quả nên có hướng mở ra kinh doanh, sản xuất chăn nuôi. Có vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Phong Điền 1 tỷ đồng đầu tư nuôi heo thịt. Cũng tính toán nuôi 1 năm 2 lứa 4.000 con. Nói về nông dân, tất cả sản xuất kinh doanh rất có nhu cầu vốn để vay mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng rất ưu tiên cho vay lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện giúp cho nông phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn rất thuận lợi".

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Thừa Thiên-Huế tổ chức điểm giao dịch lưu động tại xã miền núi Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Đây là điểm giao dịch lưu động bằng ô-tô chuyên dùng đầu tiên, cung cấp hầu hết các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, phục vụ các khách hàng là bà con nông dân tại 6 xã miền núi và trung du của địa phương này.

Ông Lê Phước Hưởng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh huyện Phong Điền cho biết: hiện tại đơn vị đã có nguồn vốn huy động đạt 760 tỷ, dư nợ tín dụng 680 tỷ với hơn 6.800 khách hàng vay vốn.

Khai thác mũ cao su ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền.

Đến nay, Agribank Phong Điền đã thành lập được 12 tổ vay vốn thông qua các kênh Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Việc đầu tư đúng đối tượng, phát huy hiệu quả tối đa đồng vốn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Lê Phước Hưởng cho biết, điểm giao dịch lưu động thực hiện tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ cho vay vốn của khách hàng trên địa bàn.

"Xuất phát từ chỗ đại đa số bà con của mình đang còn nghèo, một số hộ có điều kiện đi xe máy, một số còn lại đa số bà con đi xe đạp. Đặt điểm giao dịch lưu động như vậy giảm chi phí cho bà con rất là lớn. Sau khi ngân hàng đặt điểm ngân hàng lưu động rồi bà con chỉ tới tại xã chúng tôi vừa cho vay vừa thu nợ và các dịch vụ khác như chuyển tiền và  điện tiền nước, rất thuận lợi cho bà con", ông Hưởng cho hay.

Theo ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Thừa Thiên- Huế, việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng sẽ đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khu vực vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí đi lại và đảm bảo an toàn cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng.

Ông Trần Đình Khoái cho biết: Hiện nay đơn vị dự nợ hơn 7.400 tỷ đồng, trong đó hơn 5.400 tỷ đồng cho vay nông nghiệp nông thôn và phục vụ bà con sản xuất. Một trong những giải pháp được Agribank triển khai là thành lập tổ vay vốn. Ưu thế của cách làm này là phát huy được vai trò của các cấp hội, như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,… trong việc hỗ trợ bà con nông, ngư dân vay vốn một cách thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Theo ông Trần Đình Khoái, trong năm 2019, đơn vị sẽ triển khai cho vay vốn lưu động bằng xe ô tô ở tất cả 9 huyện, thành phố giúp bà con tiếp cận vốn vay một cách hiệu quả hơn. Thông qua điểm giao dịch lưu động, mọi hoạt động cho vay, huy động vốn, thanh toán… được thực hiện tại chỗ, đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả, rút ngắn khoảng cách, thủ tục và thời gian cho khách hàng.

"Năm vừa rồi chúng tôi cho vay 5.400 tỷ đồng để phục vụ nông nghiệp nông thôn và phục vụ bà con sản xuất, đem lại hiệu quả rất tốt. Chúng tôi đang kỳ vọng để tăng trưởng vấn đề cho vay qua các hội như tổ nông dân, tổ phụ nữ và tổ vay vốn bằng xe lưu động thì nó giảm áp lực và chi phí đi lại cho bà con. Bà con vay vốn chỉ giao dịch qua tổ trưởng và tổ trưởng giao dịch với ngân hàng, để thời gian còn lại của bà con phục vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn", ông Khoái cho hay./.