Là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nên khi Chính phủ có chủ trương dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, người dân và doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng rất phấn khởi. Tuy nhiên, do các tiêu chí và điều kiện cho vay rất khắt khe, thủ tục rườm rà, nên người dân và doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn này.

vov_nong_nghiep_litt.jpg
Lâm Đồng có nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt 500 triệu đồng/ha/năm

Mấy tháng nay, ông Võ Quốc Khoa, chủ một trang trại nông nghiệp công nghệ cao chuyên canh các loại hoa cao cấp ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất khép kín trên tổng diện tích 10ha.

Mặc dù đã liên hệ với nhiều ngân hàng nhưng ông Khoa vẫn không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng của Chính phủ, lý do là các tiêu chí và điều kiện vay vốn mà ngân hàng đưa ra rất khắt khe.

Theo Quyết định 738, ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để được vay vốn từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng một trong các tiêu chí, như: dự án đầu tư thực hiện trong Khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, các doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án nông nghiệp sạch...

Lâm Đồng hiện có khoảng 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 17% diện tích đất canh tác của tỉnh. Trong đó, có nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt 500 triệu đồng/ha, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng/ha/năm, hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng,… góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh đạt 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nếu căn cứ các tiêu chí vay vốn từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, thì toàn tỉnh cũng chỉ mới có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn. Vì vậy, chính quyền địa phương đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn này.

Ông Phạm S cho rằng, gói tín dụng 100.000 tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao là động lực lớn và quá tuyệt vời cho nguồn lực tài chính để các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận và phát triển. Nhưng qua phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy các thủ tục, tiêu chí và vận hành giải ngân rất là khó nên thực tế các doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng gặp khó khăn, chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã làm việc với hệ thống ngân hàng, ngân hàng Nhà nước để hình thành các quy trình vay vốn một cách thuận lợi.

Doanh nghiệp ở Lâm Đồng rất khó tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng  của Chính phủ
Ông Trương Quốc Thụ, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng cho biết, do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng không đảm bảo các tiêu chí và điều kiện vay vốn nên việc giải ngân từ gói tín dụng 100.000 tỷ này, hiện chỉ mới đạt 150 tỷ đồng. Để khơi thông nguồn vốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng và các sở, ngành đang nghiên cứu cho vay thế chấp từ tài sản trên đất.

Tại hội nghị triển khai hỗ trợ vốn vay từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức tháng tư vừa qua, ông Đặng Huy Thông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung ương cũng cho rằng, việc đánh giá tài sản trên đất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thế chấp vay vốn là một việc làm cần thiết và hợp lý, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bàn thảo để sớm triển khai cho vay theo định hướng này.

Từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020, nâng giá trị sản xuất bình quân trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác đạt 170 triệu đồng/ha/năm, và giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 35 đến 40% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Do đó, một khi những điểm nghẽn về vốn vay cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao được khơi thông, sẽ nhanh chóng tạo được sự đổi thay lớn trong sản xuất, nâng cao giá trị và chất lượng chuỗi hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH chung của tỉnhLâm Đồng trong quá trình hội nhập./.