Sáng 14/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (nCoV), với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm ngặt, quyết liệt các biện pháp ứng phó dịch bệnh. 

_xk_sdlh_qeqd.jpg
Nhiều xe nông sản không thể xuất khẩu do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Hiện dịch bệnh đang tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây. Nhưng dù triển khai bất cứ giải pháp nào, điều đầu tiên phải là việc tuân thủ quy trình kiểm dịch Covid-19 chặt chẽ.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, mô hình kiểm soát y tế, cách ly cho các tài xế ở cửa khẩu tại Lào Cai đã được các tỉnh khác áp dụng. Bộ Công thương đang làm việc với các tỉnh giải quyết vấn đề sau thông quan hàng hóa và phối hợp với cơ quan chức năng đảm bảo kiểm soát y tế an toàn cho các tài xế, phương tiện khi đi qua các cửa khẩu.

Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vân Nam và Quảng Tây, đồng thời làm việc với các đối tác địa phương để nghiên cứu việc có nên mở thêm các cửa khẩu phụ hay không, như Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn) hay Km 3+4 Móng Cái (Quảng Ninh)… 

“Nếu mở được các cửa khẩu phụ phải đảm bảo quy trình kiểm dịch và chuyển tải hàng hóa tương tự như các cửa khẩu quốc tế để tránh lây nhiễm bệnh, đồng thời có các điểm kiểm soát y tế và cách ly tài xế. Các đường mòn, lối mở hiện đã cấm. Với riêng Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), chúng tôi đang cùng các địa phương cân nhắc nếu phía bạn muốn mở đường mòn lối mở, chúng ta có thể cho phép mở trên cơ sở quy trình kiểm dịch chặt chẽ. Đây là một phần công tác liên quan đến giải tỏa hàng hóa tại các cửa khẩu”, ông An nói.

Liên quan nhu cầu hàng hóa, Bộ Công Thương đề nghị các Sở phải nắm cung-cầu trên địa bàn, tránh để mất cung-cầu và tạo ra cơn sốt hàng hóa không chỉ với mặt hàng khẩu trang y tế mà còn nhiều mặt hàng khác. Về vấn đề mua bán khẩu trang, hiện cơ quan quản lý thị trường tại tất cả các địa phương đang tích cực kiểm tra, kiểm soát, xử lý nhiều vụ việc thu gom hàng để xuất lậu qua biên giới kiếm lời…

“Chúng tôi bắt đầu chuyển sang kiểm soát cả các cơ sở sản xuất và phát hiện một số trường hợp sản xuất khẩu trang không đủ tiêu chuẩn. Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã họp với các nhà sản xuất để tìm cách kết nối với các nguồn cung nguyên liệu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết./.