Thị trường xăng dầu Việt Nam thời gian qua luôn biến động, xuất hiện nhiều vấn đề về kinh doanh xăng dầu. Sở dĩ có những vấn đề này là do 4 yếu tố cơ bản tạo thành thị trường (nguồn cung, nguồn cầu, giá cả, cạnh tranh) còn bất cập.
Nhu cầu tăng mạnh nhưng nguồn cung “cửa hẹp”
Nguồn cung xăng dầu là số lượng xăng dầu mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có khả năng bán và sẵn sàng bán ra ở các mức giá khác nhau. Cung xăng dầu ở Việt Nam có từ hai nguồn chính là nguồn tự sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu. Nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước chủ yếu là từ nhà mày lọc dầu Dung Quất, đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu, còn lại chủ yếu nhập khẩu.
Khoảng 60% xăng dầu đáp ứng nhu cầu nội địa là từ nguồn nhập khẩu (Ảnh: Nguoiduatin) |
Tính đến năm 2012, Việt Nam có 13 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu và phân phối các sản phẩm xăng dầu, mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp hạn ngạch nhập khẩu, tuy nhiên trong đó Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex bao giờ cũng chiếm gần 60% tổng hạn ngạch. Từ sau khi Nghị định 84/2009 có hiệu lực, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế chỉ cần đảm bảo đủ điều kiện theo luật định là có thể tham gia kinh doanh xăng dầu chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp Nhà nước như trước. Hằng năm, các công ty đầu mối trong nước nhập ngày càng đa dạng chủng loại sản phẩm xăng dầu, nhưng chủ yếu vẫn là xăng, dầu Diezen, dầu mazut, nhiên liệu bay….
Còn nguồn cầu xăng dầu là số lượng xăng dầu mà người mua có khả năng mua và sẵn sàng mua ở các mức giá khác nhau. Tổng nhu cầu xăng dầu bao gồm: Nhu cầu cho giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy đường hàng không), nhu cầu cho sản xuất kinh doanh, nhu cầu cho an ninh – quốc phòng, nhu cầu cho tái xuất và dự trữ.
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam có sự biến đổi không đều trong giai đoạn từ năm 2006- 2012, xu hướng chung thường là tăng với tốc độ tăng dần. Tuy nhiên, đã có sự giảm khá bất ngờ trong năm 2012, khi mà nhu cầu xăng dầu trong nước giảm hơn 10%, trong đó giảm nhiều nhất là dầu Mazut do nhu cầu các nhà máy nhiệt điện giảm.
Và theo dự báo của Bộ Công Thương, từ nay đến năm 2020, để phục vụ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu xăng dầu của nước ta liên tục tăng từ 16,3 triệu tấn năm 2010 lên 23,95 triệu tấn năm 2015 và có để lên tới 35,2 triệu tấn vào năm 2020.
Doanh nghiệp chưa thực quyền về giá
Cùng với đó, giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa trên thị trường. Giá cả xoay xung quanh giá trị thực của hàng hóa và chịu tác động của các quy luật kinh tế thị trường (quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh…). Ở Việt Nam, đến hơn 70% nhu cầu trong nước là từ nguồn nhập khẩu. Chính vì vậy, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá cả thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam thả nổi giá bán lẻ trong nước, bắt đầu từ quyết định số 187/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu, theo đó cho phép các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được tự quyết định giá bán dựa trên giá cơ sở, trong mức lệch cho phép (10% với xăng và 5% với dầu). Tuy nhiên trên thực tế giá cả xăng dầu không hề được thả nổi mà được nhà nước quản lý chặt chẽ thông qua các công cụ như thuế, phí, quỹ bình ổn giá.., nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế- xã hội khác của đất nước.
Theo quy luật thị trường, cạnh tranh là sự giành giật lợi ích của các bên, có thể là cạnh tranh giữa người mua với nhau để tạo được nguồn hàng tốt hoặc cũng có thể là cạnh tranh giữa người mua với người bán để giành lợi ích trong thương vụ mua- bán hàng hóa. Tuy nhiên, ở góc đô trực tiếp và phổ biến nhất là cạnh tranh giữa người bán với nhau nhằm lôi kéo khách hàng, bán được nhiều hàng. Trên thị trường có nhiều trạng thái cạnh tranh như: cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh mang tính độc quyển, cạnh tranh hỗn hợp… Việc xác định đúng trạng thái cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp đề ra được chiến lược đúng đắn để tồn tại và phát triển.
Đối với thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay, mặc dù Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi thị trường xăng dầu từ độc quyền nhà nước sang cạnh tranh, tuy nhiên hiện thị trường vẫn mang tính độc quyền, với sự chiếm lĩnh, áp đảo hoàn toàn từ ông lớn Petrolimex, tiếp theo đó là PV Oil.
Theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 84), quản lý giá bán xăng dầu được thực hiện trên nguyên tắc cơ chế thị trường với sự quản lý của nhà nước, nhưng hiện nay thị trường xăng dầu thực chất vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện vẫn chưa hoàn toàn có thực quyền về xác định giá bán như các văn bản quy định.
Thực tế hiện nay, để đảm bảo ổn định mặt bằng giá, tránh những xáo trộn lớn về giá cả ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng, mặt bằng giá xăng dầu được Nhà nước giữ tương đối ổn định trong những khoảng thời gian tương đối dài, bất chấp thị trường có biến động lớn.
Nhà nước can thiệp vào giá cả xăng dầu thông qua các công cụ tài chính. Khi giá xăng dầu thế giới xuống thấp, giá bán xăng dầu trong nước thường không được điều chỉnh xuống theo, mà giữ nguyên để tăng phần thu của Nhà nước thông qua tăng thuế suất thuế nhập khẩu và các khoản thu khác, thậm chí để doanh nghiệp có thể bố trí trả những khoản được Nhà nước “bù lỗ” trước đó.
Ngược lại, khi giá thị trường thế giới lên cao, giá trong nước lại chỉ được điều chỉnh lên ít hơn và Nhà nước lại phải cắt giảm các khoản thu, thậm chí còn phải hỗ trợ tài chính (bù lỗ) thông qua quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp.
Nhằm khắc phục những tồn tại của thị trường xăng dầu, cải thiện môi trường cạnh tranh, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu, Nhà nước cần thể hiện được vai trò quản lý và định hướng của mình.
Cần để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán lẻ
Cần tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để phát triển thị trường xăng dầu. Bởi một môi trường pháp lý đầy đủ, hoàn thiện là cơ sở vững chắc và cần thiết cho sự phát triển của tất cả các thị trường nói chung, trong đó có thị trường xăng dầu.
Bên cạnh đó, cần cân đối cung - cầu để lên chiến lược cung - cầu hợp lý. Cung - cầu đang bất hợp lý vì mặc dù cung trong nước đang dư thừa (cụ thể là nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tồn kho, hàng không tiêu thụ được, thiếu kho hàng để chứa) nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu. Thực trạng này do khâu dự báo và công tác xây dựng chiến lược của chúng ta còn yếu.
Đồng thời, cần thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường thông qua việc hạn chế sự can thiệp của Nhà nước. Việc vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường đồng nghĩa với việc phải có cạnh tranh về giá bán của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Muốn vậy, Nhà nước nên giao quyền quyết định giá bán lẻ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để họ điều tiết thị trường, để tạo được sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đến từng đại lý, cửa hàng, cây xăng…
Nếu muốn thúc đẩy cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu, cũng cần Nhà nước giảm rào cản gia nhập thị trường để khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia kinh doanh bán buôn, bán lẻ xăng dầu.
Theo quy định của Chính phủ về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh phân phối xăng dầu cho phép thương nhân chỉ cần là doanh nghiệp (không bắt buộc phải là doanh nghiệp nhà nước) đều được cấp giấy phép kinh doanh phân phối xăng dầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh phân phối xăng dầu (có kho bể dung tích tối thiểu 5.000 m3, có tối thiểu năm cửa hàng bán lẻ, 20 đại lý bán lẻ xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đồng sở hữu hoặc thuê dài hạn…) cũng sẽ tạo rào cản với các doanh nghiệp khi mà tiềm lực của họ chưa đáp ứng được các điều kiện đó./.