Theo quy định, đến hết ngày 31/1 năm sau thời hạn giải ngân kế hoạch vốn năm trước cũng sẽ hết. Tuy nhiên, qua rà soát năm 2017, hầu hết các địa phương không hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Tại Hà Nội, tính đến ngày 15/4/2018, thành phố mới giải ngân được 4.647 tỷ đồng, đạt 11,03% kế hoạch, chưa đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu. Hết quý I cũng chỉ có 4/40 dự án mới được khởi công xây dựng, 23 dự án đang tổ chức đấu thầu, 13 dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để tổ chức đấu thầu trong các quý tiếp theo.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lý giải, bên cạnh yếu tố khách quan là tháng 1, các chủ đầu tư và nhà thầu còn thực hiện công tác nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn của kế hoạch năm 2017 nên chưa tập trung triển khai thực hiện kế hoạch năm 2018, thì nguyên nhân chủ yếu là các chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, nhất là tiến độ thi công xây dựng các công trình, dự án chuyển tiếp; việc triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm.

Ông Nguyễn Doãn Toản cho biết, việc quy định bố trí vốn cho các dự án khởi công mới phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đến ngày 31/10/2018 trước kế hoạch theo quy định tại Điều 27 Nghị định 77 của Chính phủ sẽ làm chậm quá trình triển khai thực hiện đầu tư công.

88_lrge.jpg
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra Dự án đường sắt đô thị. (Ảnh: Văn Hiếu)

Không chỉ Hà Nội, tại Lai Châu, tính đến cuối tháng 12/2017, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh này mới đạt 54,02% kế hoạch (hơn 1.130 tỷ đồng). Còn tại Bắc Kạn, tỷ lệ giải ngân tính đến hết năm 2017 cũng chỉ đạt hơn 68% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ giải ngân chậm của nhiều địa phương đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân chung của cả nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 so với kế hoạch được giao chỉ đạt gần 84%.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hệ quả của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ khiến lãng phí 3 lần. Một là, lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng, hai là, tiền để đấy, Nhà nước phải trả lãi, ba là nhà thầu phải đi vay ngân hàng. Mặc dù vốn đầu tư công là vốn đi vay, phải trả lãi, nên cần phải quản lý thật chặt, tuy nhiên nếu không cố gắng giải ngân sẽ dẫn tới đầu tư không hiệu quả, lãng phí, thất thoát, nhưng không vì thế mà để xảy ra tình trạng trì trệ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích, khi có tiền nhưng tốc độ giải ngân lại quá chậm, sẽ gây ra tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Do đó, sự phối hợp, kết hợp để tạo ra sức mạnh tổng hợp thống nhất trong vấn đề quản lý sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công giữa các Bộ, ngành và địa phương vẫn còn nhiều khúc mắc.

Bộ KH&ĐT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016-2020 khá cao, bằng 91,3% tổng mức kế hoạch 2 triệu tỷ đồng, ứng với hơn 1,642 triệu tỷ đồng (chưa bao gồm khoản dự phòng 10%). Số tiền này được giao chi tiết cho khoảng 9.600 dự án (chưa bao gồm các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ nhà ở người có công...).

Vướng mắc trong triển khai đầu tư công thời gian qua là do khả năng cân đối ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Các địa phương chưa rà soát, cắt giảm, điều chỉnh, phân kỳ đầu tư hoặc bổ sung vốn khác đối với các dự án chưa được bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; cơ chế đối tác công - tư chưa hấp dẫn để thu hút tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, dịch vụ công.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vẫn còn một số bộ, địa phương chưa chấp hành nghiêm túc các quy định, nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên trong phân bổ kế hoạch trung hạn nên quá nhiều dự án đưa vào danh mục: “Cũng có cả những nguyên nhân chủ quan, ví dụ như  cho giải ngân kéo dài thêm 1 năm. Thế nên có tâm lý là dềnh dang ở giai đoạn đầu và phải đến sang năm mới bắt đầu tập trung để đầu tư giải ngân. Các thủ tục ban đầu mất rất nhiều thời gian. Đến đoạn cuối khi thủ tục xong, việc giải ngân vốn sẽ nhanh hơn thì nó lại rơi vào giai đoạn cuối”./.