Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính để tính CPI, có 1 nhóm giảm giá, hai nhóm không tăng giá, còn lại 8 nhóm tăng giá. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng 1,73% so với tháng trước; nhóm tăng giá cao thứ hai là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,71%. Nhóm giảm giá là văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,01%.

gia_tieu_dung_thang_4_pjgm.jpg
Giá thép tăng góp phần đẩy tăng giá CPI tháng 4/2016 (Ảnh minh họa: KT)

Một diễn biến đáng chú ý khác là chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống không thay đổi giá so với tháng trước, trong đó giá lương thực tăng 1,11%, giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,12% trong khi giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,27% so với tháng trước.

Nguyên nhân chỉ số giá nhóm giao thông vẫn tăng mạnh là do tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu 2 ngày 21/3/2016 và ngày 5/4/2016 vừa qua. Đây cũng là lần tăng giá nhóm giao thông sau 8 tháng giảm liên tiếp.

Còn nguyên nhân quan trọng đẩy giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng so với tháng trước là giá các mặt hàng thép tăng mạnh từ 5-8% trong tháng 4.

Tháng này, một số tỉnh tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 37/2015 ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế và Tài chính khiến chỉ số giá của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,45% so với tháng trước.

Trong tháng 4, dù hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá CPI là vàng và đô la Mỹ, nhưng Tổng cục Thống kê cũng công bố chỉ số giá hằng tháng. Tháng 4 này, cả giá vàng và đô la Mỹ cùng tăng, mức tăng lần lượt là 0,3% và 0,05% so với tháng trước.

Như vậy, so với mức tăng CPI của tháng trước, CPI tháng này có mức tăng thấp hơn. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2016 tăng 0,57% so với tháng trước, cao nhất so với 3 tháng từ đầu năm./.