Chiều qua, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo thông báo trước đây Sở GTVT đã yêu cầu các DN vận tải chậm nhất 20/11 phải báo cáo việc điều chỉnh giá cước sau các lần giảm giá xăng dầu vừa qua. Với các DN chưa điều chỉnh và chưa có báo cáo về Sở những ngày tới Sở GTVT sẽ giao cho Thanh tra rà soát, kiểm tra. Với các DN có mức cước không phù hợp, Sở GTVT sẽ giao cho Thanh tra kiểm tra và có mức xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Tất Thành, GĐ Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết, sau lần giảm giá xăng trước (7/11), tại bến chỉ có 6 đơn vị (tham gia trên 18 tuyến vận tải) đã giảm giá cước, chiếm chưa đến 10% tổng số doanh nghiệp (DN) có xe qua bến. Số lượng phương tiện giảm ít, giá cước cũng giảm không nhiều. Tại bến này, duy nhất có Cty vận tải Thủy bộ Yên Bái (tuyến Hà Nội - Thác Bà) giá cước giảm gần 10% (từ 110.000 đồng xuống 100.000 đồng), các DN còn lại chỉ giảm 3-5%; có DN giảm 3.000 đồng/vé. Phó GĐ Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn cũng cho biết, mới chỉ có 4 DN tham gia trên 24 tuyến giảm giá cước, mức giảm 3-7%.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, sau khi các đoàn kiểm tra của Bộ GTVT và Bộ Tài chính tiến hành rà soát giá cước vận tải, số lượng DN đăng ký giảm cước có dấu hiệu tăng lên, đặc biệt là taxi.
Tính đến ngày 19/11, Hà Nội có 29/100 DN taxi giảm giá cước ở mức 2-9%; giá cước taxi tại TP HCM giảm 2- 11%; các DN taxi tại Đà Nẵng đăng ký giảm 3-17%. Bà Hiền đánh giá đây là tín hiệu khả quan và các DN đang tiếp tục kê khai giảm sau đợt giảm giá xăng dầu mới đây nhất. Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho rằng, các đoàn kiểm tra chủ yếu “động viên” các DN giảm giá cước vì theo quy định hiện hành, Nhà nước không quản lý giá cước vận tải đường bộ, DN tự quyết định giá.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, với cơ chế hiện nay, việc giảm giá cước hay không phụ thuộc vào “đạo đức” của các DN vận tải, chứ không còn chịu sự can thiệp của Nhà nước./.