Từ cuối giờ sáng nay (28/6), giá vàng đã đảo chiều tăng sau khi sụt giảm mạnh từ ngày hôm qua. Giá vàng trong nước đã nhích lên từ mức 500.000 đồng/lượng lúc cuối giờ sáng và chỉ đến giữa chiều nay, mức giá chênh lệch so với buổi sáng đã lên tới cả triệu đồng 1 lượng.
mua-vang-1.jpg
Trên các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng vàng như Trần Nhân Tông, Hàng Bông, Cầu Giấy… ở Hà Nội nhộn nhịp khách ra vào

Kẻ khóc- người cười

Mặc dù lượng người đến các cửa hàng vàng chiều nay tuy có giảm hơn so với buổi sáng nhưng lượng khách ra vào vẫn khá đông. Trên các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng vàng như Trần Nhân Tông, Hàng Bông, Cầu Giấy… ở Hà Nội vẫn nhộn nhịp khách ra vào. Phần lớn khách hàng đến mua bán đều có tâm lý vội vã theo kiểu “làm ăn”, tranh thủ giá vàng lên xuống nhằm “lướt sóng” kiếm lời.

Chị Nguyễn Bích Vân, nhà ở quận Tây Hồ có mặt tại cửa hàng vàng của công ty Bảo Tín Minh Châu số 29B Trần Nhân Tông chiều nay cho biết, buổi sáng biết giá vàng xuống thấp, nhà đang sẵn có chút tiền nên đến mua ít vàng về cất cho chắc ăn.

“Sáng nay biết giá vàng xuống mà bận quá không đi mua được, chiều vội lên đây xem thế nào để mua, nhưng mà giá lại tăng mà vàng bán ra cũng hết, cửa hàng bảo phải đợi cuối ngày có thể mới có. Giá cả lại tăng theo từng phút thế này thì thôi có lẽ để vài ngày nữa xem thế nào mới mua”, chị Vân tiếc nuối.

Không giống như chị Vân, anh Cường ở Thanh Trì (Hà Nội) lại cảm thấy vui vì vừa bán được hơn 10 lượng SJC mới mua hồi sáng. Anh cho biết, “có mặt tại Bảo Tín từ sáng và đã mua vào 1 ít, định đợi theo dõi diễn biến mấy ngày nữa rồi tính tiếp việc mua bán, nhưng nhìn giá lên nhanh quá cũng thấy lo, không dám giữ lâu nên “lướt” nhanh cho chắc ăn”. Với giá cả và số vàng anh mua, chỉ sau nửa ngày anh đã “kiếm” lời hơn 10 triệu. Chắc hẳn cũng có nhiều người đang cùng có tâm trạng vui như anh.

Tuy vậy cũng không ít người non gan, khi giá xuống thấp vội bán ra sợ lỗ. Tỏ ra tiếc nuối, chị Thanh ở Giảng Võ than: "Biết giá lên thế này, sáng nay lúc rơi xuống 34,3 triệu đồng tôi đã không bán. Mua được hơn chục cây lúc giá 37 triệu đồng hôm 26/6, tưởng thế đã là giá hên định lướt sóng. Nào ngờ từ hôm qua đến nay, giá rớt thảm, sợ rơi tiếp tôi vội bán ra. Thế là đi tong hơn 30 triệu đồng".

Trong đầu giờ chiều nay, tại chi nhánh của công ty Bảo Tín Minh Châu ở 349 Cầu Giấy (Hà Nội) khách hàng vẫn tiếp tục đến hỏi mua, ít thấy khách hàng có nhu cầu bán ra. Theo anh Giáp Ngọc Quý, phụ trách bán hàng của công ty Bảo Tín Minh Châu chi nhánh Cầu Giấy cho biết, khách hàng đến hỏi mua chủ yếu là vàng miếng SJC, vàng chỉ dạng nhẫn trơn của Bảo Tín Minh Châu cũng được bán ra nhiều.

“Chỉ tính riêng trong buổi sáng ngày hôm nay, cửa hàng đã bán ra gần 600 lượng vàng các loại. Số lượng bán ra này đã gấp 4 lần so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, với loại vàng miếng, khách hàng mua nhiều nhất cũng chỉ đến 4 cây, trong khi loại vàng chỉ nhẫn trơn có người mua đến 200 chỉ trong buổi sáng”, anh Quý cho biết.

Liên tục hết vàng

Theo quan sát của phóng viên, tại nhiều cửa hàng vàng tại Hà Nội chiều nay, khách đến mua vàng đều được các nhân viên giao dịch trả lời là tạm thời hết vàng miếng SJC, phải đợi đến cuối giờ nhưng chưa chắc chắn có hay không.

Trao đổi với phụ trách kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu, anh này cho biết, mọi người đến tập trung hỏi mua vàng SJC nên hiện tại cửa hàng chưa đáp ứng kịp. Trong khi công ty Bảo Tín Minh Châu bán ra cũng lúc cả 3 loại là vàng vàng chỉ, vàng Rồng miếng và vàng miếng SJC nên không thể nói là hết vàng.

Chiều lòng thượng đế, vài cửa hàng vàng của Bảo Tín Minh Châu tiếp thị ngay loại vàng chỉ nhẫn trơn đang được xem là phù hợp với túi tiền của nhiều người. Tuy nhiên, các khách hàng tỏ ra không mặn mà với loại vàng này nên lượng giao dịch chiều nay giảm thấp.

Qua 2 ngày giá vàng biến động, có thể nhận thấy xu hướng đầu cơ đối với mặt hàng vàng của người dân vẫn chưa hề thay đổi. Mặt hàng có giá trị và nhạy cảm này luôn là mục tiêu theo dõi và săn đuổi của đa số người dân.

Mặc dù đã có không ít nhận định, cảnh báo từ phía các chuyên gia rằng thời điểm này là chưa thuận lợi cho việc đầu tư vàng, nhưng dường như tâm lý đám đông vẫn thắng khi sức hút lợi nhuận từ việc mua – bán vàng quá lớn. Hơn nữa, khi sở hữu đồng tiền nhàn rỗi, trong lúc lãi suất tiết kiệm thấp thì việc người dân bỏ tiền “lướt sóng vàng” là một cách làm cho đồng tiền sinh lời có hiệu quả.

Điều đáng suy ngẫm ở đây là, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với mục tiêu trong việc quản lý thị trường vàng là nhằm bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá. Bình ổn thị trường sẽ giúp cho giá vàng không biến động lớn, không bị ảnh hưởng của giá vàng thế giới, không xảy ra đầu cơ, tích trữ, mua bán ồ ạt, người dân không bị rủi ro…

Ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết: Nhiệm vụ bình ổn thị trường không nhằm bình ổn giá đã khiến thị trường vàng hoạt động ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh tới thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế. 

Thế nhưng trên thực tế 2 ngày gần đây, khi giá vàng thế giới lao dốc, thị trường vàng trong nước đã có nhiều xáo động thì người dân lại tiếp tục chen lấn xếp hàng mua vàng rồi “lướt sóng” bán kiếm lời khi giá vàng tăng lên./.