Từ cuối 2021, Ban quản lý Đầu tư xây dựng huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã hoàn tất các thủ tục đầu tư cho 4 tuyến đường nối các xã vùng sâu, vùng xa để triển khai ngay đầu năm 2022. Tuy nhiên, khi vào giai đoạn thi công thì giá vật tư tăng đột biến. Theo đó, xi măng, thép, đá, dầu diezen, nhựa đường đều tăng giá từ 10 đến 20%, thậm chí tăng gấp rưỡi đơn giá đã được phê duyệt ban đầu. Điều này khiến địa phương phải dừng các dự án để chờ các ngành của tỉnh hướng dẫn.

“Trong tổng 100 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư tầm 10 tỷ đồng. Lúc đó, huyện làm tờ trình UBND tỉnh là xin ý kiến. Bây giờ, phê duyệt là 4 tuyến đường, giờ huyện chọn 2 tuyến phê duyệt trước. Cuối của giai đoạn, giá nhiên liệu nếu giảm thì phê duyệt tiếp làm bình thường. Nếu mà vẫn vượt thì phải đề nghị tỉnh điều chỉnh chủ trương", ông Đặng Thái Huy, Trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Chư Păh cho biết.

Cùng với việc sốt giá nguyên vật liệu, thì cơn sốt đất vừa qua khiến việc giải phóng mặt bằng gặp khó, nhiều dự án trọng điểm tại Gia Lai có nguy cơ chậm tiến độ. Tiêu biểu là Dự án Đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông có chiều dài 33km, tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng. Dự án bắt đầu thi công từ 3/2021, tới nay, phần nền, cấp phối, thảm ở nhiều đoạn đã xong. Riêng đoạn qua một số khu dân cư ở Thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, bị vướng giải phóng mặt bằng vì người dân không đồng thuận.

“Hiện nay, còn hơn 2km vẫn chưa có phương án giải phóng mặt bằng của huyện. UBND tỉnh và các đơn vị, cơ quan liên quan đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Chúng tôi dự kiến tháng 9 thì công tác móng, cấp phối đá dăm, các vị trí cầu cơ bản là xong. Kết thúc mùa mưa, các đơn vị sẽ tập trung cho công tác thảm", ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai - đơn vị chủ đầu tư cho hay.

Năm 2022, tỉnh Gia Lai có tổng số 27 dự án đầu tư công, với tổng vốn trên 3.600 tỷ đồng. Tính đến 19/7/2022, tỉnh mới giải ngân đạt gần 993 tỷ đồng, tương đương 22,88% (thấp hơn mức trung bình cả nước là trên 27%).

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Gia Lai cho biết, hiện có 2 dự án trọng điểm vướng giải phóng mặt bằng, 11 dự án chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Một số dự án liên quan tới đơn giá vật liệu xây dựng biến động, các chủ đầu tư phải xin điều chỉnh vốn. Tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trong đầu tư công.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế, hiện các vướng mắc cơ bản đã được giải quyết: “Những yếu tố khách quan xảy ra đầu 2022, khả năng không còn xảy ra nữa, ví dụ giá nguyên liệu đã giảm, sốt đất không còn nữa; một số công trình vướng mắc quy định thì đã được các ngành thông qua. Như vậy, từ nay tới cuối năm, việc triển khai đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công, yếu tố chủ yếu thuộc chủ quan của các chủ đầu tư và các ban quản lý dự án. Chúng tôi quyết tâm tham mưu cho UBND tỉnh công tác giải ngân xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Gia Lai đáp ứng được yêu cầu, đạt được mục tiêu đề ra”./.