Tuần qua, thị trường dầu thế giới chứng kiến những phiên xuống giá liên tiếp giữa bối cảnh sản lượng dầu của Mỹ gia tăng, đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán mất đà. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm gần 9%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 10%. Đây là mức giảm hàng tuần sâu nhất kể từ tháng 1/2016 của hai loại dầu này.

Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 5/2, giá dầu thế giới chịu sức ép trước thống kê cho thấy sản lượng dầu của Mỹ đã lần đầu tiên kể từ năm 1970 vượt mức 10 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2017. Bên cạnh đó, sự lao dốc của Phố Wall cũng có tác động đến thị trường “vàng đen”.

Giá dầu tiếp tục giảm trong hai phiên 6-7/2 do sự mạnh lên của đồng USD sau đợt bán tháo chứng khoán và nỗi lo dai dẳng về tình trạng dư cung. Bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), nguồn cung của thị trường dầu mỏ hiện vẫn khá dồi dào.

dau_gvty.jpg
Giá dầu giảm mạnh nhất trong hai năm qua. (Ảnh: TTXVN)

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu của nước này tăng 1,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2/2 lên 420,3 triệu thùng. Trong khi đó, hiện Nga vẫn dẫn đầu về sản lượng dầu mỏ toàn cầu với mức trung bình 10,98 triệu thùng/ngày trong năm 2017.

Sau khi rớt xuống mức thấp nhất trong 7 tuần trong phiên giao dịch ngày 8/2, giá dầu giảm hơn 3% trong phiên cuối tuần (9/2), ghi nhận phiên giảm thứ sáu liên tiếp, với giá dầu WTI rơi xuống dưới mốc 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2017. Chốt phiên này, giá dầu WTI giảm 1,95 USD (3,2%) xuống 59,20 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 22/12/2017, còn giá dầu Brent giảm 2,02 USD (3,1%) xuống 62,79 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 13/12/2017.

Thống kê cho thấy giá hai loại dầu trên đã giảm hơn 11% kể từ mức đỉnh hồi cuối tháng 1/2018. Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch & Associates, cho rằng có nhiều yếu tố khiến thị trường dầu mỏ lao dốc. Hoạt động bán tháo chứng khoán đã thúc đẩy đồng USD tăng giá và gây sức ép đối với các mặt hàng định giá bằng đồng tiền này như dầu mỏ.

Bên cạnh đó, thống kê về sản lượng dầu tại Mỹ kết hợp với những thông tin mới về sự gia tăng khối lượng vận chuyển dầu của đường ống North Sea Forties càng đào sâu mối lo ngại về tình trạng dư cung và gây sức ép đối với thị trường dầu mỏ. Các nhà đầu tư đang thực sự quan ngại rằng sự gia tăng hoạt động sản xuất “vàng đen” tại Mỹ sẽ lấn át nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC. EIA ngày 6/2 công bố báo cáo cho hay sản lượng dầu của Mỹ dự kiến sẽ vượt ngưỡng 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018, sớm hơn một năm so với dự đoán đưa ra hồi tháng trước./.