Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi giá dầu tụt sâu hơn và có thêm những dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Giá dầu thô giao sau tại thị trường Mỹ giảm gần 1%, đánh dấu phiên giảm thứ 10 liên tiếp, chuỗi phiên giảm giá dài nhất kể từ năm 1984, trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu gia tăng và nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới.

"Diễn biến giá dầu đang gây lo ngại trên thị trường. Nếu giá dầu còn giảm sâu hơn, thì đó là một tín hiệu nữa cho thấy nền kinh tế toàn cầu giảm tốc", ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư thuộc Independent Advisor Alliance, nhận định.

gia_dau_chung_khoan_bxlf.jpg
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, phiên ngày 9/11. (Ảnh: Reuters)

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,77%, còn 25.989,3 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,92%, còn 2.781,01 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 1,65%, còn 7.406,9 điểm.

Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P trượt 0,4% phiên này, sau khi sụt 2,2% trong phiên ngày thứ Năm - khi giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).

"Tôi cho rằng chứng khoán sẽ giảm sâu hơn mức đáy của tháng 10. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhưng không đủ chậm để ngăn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dừng nâng lãi suất", chiến lược gia trưởng về đầu tư Jim Paulsen thuộc Leuthold Group phát biểu.

Tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư phiên này khiến nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 sụt 1,7%, trong đó cổ phiếu Apple mất 1,9% và nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất chất bán dẫn tụt 1,9%.

Nhóm 5 cổ phiếu công nghệ hàng đầu gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook mất tổng cộng 75 tỷ USD giá trị vốn hóa phiên này, hãng tin CNBC cho hay.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, có 8 nhóm kết thúc phiên trong sắc đỏ. Tiêu dùng thiết yếu là nhóm tăng mạnh nhất, với mức tăng 0,5%. Các nhóm cổ phiếu phòng vệ khác như bất động sản và dịch vụ tiện ích cũng tăng nhẹ.

Giữa lúc căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức cao, thống kê từ Trung Quốc cho thấy lạm phát bán buôn giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 10 do nhu cầu trong nước đi xuống. Ngoài ra, hoạt động của ngành chế biến-chế tạo tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng giảm, và doanh số thị trường ôtô sụt tháng thứ tư liên tiếp.

Các dữ liệu bi quan trên của Trung Quốc và khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất đã gây áp lực giảm lên chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày thứ Sáu chứ không riêng gì chứng khoán Mỹ.

Dẫn đầu sự giảm điểm của Phố Wall phiên này là các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với tin thương mại. Trong đó, nhóm công nghiệp giảm 1% và nhóm nguyên vật liệu cơ bản sụt hơn 1,4%.

Tuyên bố sau cuộc họp kết thúc ngày thứ Năm của FED cũng thừa nhận rằng hoạt động đầu tư kinh doanh ở Mỹ đang yếu đi. Mặc dù vậy, dữ liệu mới nhất về lạm phát bán buôn ở Mỹ cho thấy giá cả ở nước này vẫn đang tăng lên, theo đó củng cố khả năng FED nâng lãi suất vào tháng 12. Điều này khiến giới đầu tư chứng khoán lo lắng.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 2,22 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,95 lần

Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng 7,93 tỷ cổ phiếu trong toàn phiên, so với mức bình quân 8,39 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tuy giảm trong phiên ngày thứ Sáu, chứng khoán Mỹ vẫn đi lên trong tuần này, khi nhà đầu tư cảm thấy thoát khỏi sự bấp bênh sau bầu cử Quốc hội và có những lúc hy vọng về khả năng đạt một thỏa thuận Mỹ-Trung trong cuộc gặp của lãnh đạo hai nước vào cuối tháng.

Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 2,8%, S&P 500 tăng 2,1%, còn Nasdaq tăng 0,7%./.