Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm: 6 tháng đầu năm GDP tăng 6,28% thì cả năm cũng phải đạt ít nhất mức tăng trưởng này nếu không có đột biến khách quan.
Theo đánh giá tại phiên họp: 6,28% không chỉ là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua mà cả 3 lĩnh vực nông-lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ, nhất là công nghiệp và xây dựng tăng trên 9%.
Phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6 với 63 địa phương diễn ra ngày 29/6 |
Tăng trưởng kinh tế cao là điều đáng mừng nhưng đáng mừng hơn là nhịp tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, thể hiện đà phục hồi kinh tế ngày càng rõ nét trong điều kiện chủ động kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tổng phương tiện thanh toán tăng, tốc độ dự nợ tín dụng cao hơn tốc độ tăng dư nợ tiền gửi, thu ngân sách tăng so với cùng kỳ…
Các ý kiến tại phiên họp cũng đã phân tích và đề xuất nhiều biện pháp ứng phó với một số vấn đề nổi lên hiện nay liên quan đến nhập siêu đã ở mức 3,75 tỷ USD bằng 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu đã sát với mục tiêu Quốc hội đã đề ra và có thể tăng cao hơn khi nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi nhanh.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ hỗ trợ kịp thời các địa phương khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra như tại Ninh Thuận, Quảng Trị; sớm điều chỉnh một số quy định của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cá tra; nâng sản lượng khai thác dầu thô để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế….
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu |
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ KTXH 6 tháng đầu năm phát triển cơ bản ổn định, tiến triển tích cực trên nhiều lĩnh vực và đạt kết quả tích cực được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nổi lên là kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn; tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước và tính chung 6 tháng GDP đạt 6,28%, cao hơn mức kế hoạch tăng trưởng GDP cả năm 2015 và đồng đều trên cả 3 khu vực, nhất là công nghiệp tăng trưởng gần gấp đôi cùng kỳ. Thu ngân sách, đầu tư toàn xã hội, dư nợ tín dụng của nền kinh tế, cầu tiêu dùng và đầu tư tăng mạnh và niềm tin thị trường ngày càng tốt hơn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, đầu tư kinh doanh, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển tích cực.
Trong bối cảnh thế giới hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, các địa phương trong 6 tháng còn lại của năm nay tập trung thực hiện đồng bộ, đồi thời các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra ngay từ đầu năm. 6 tháng đầu năm GDP tăng 6,28% thì cả năm nay thấp nhất cũng phải đạt ít nhất mức tăng trưởng này nếu không có đột biến khách quan.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm như vậy và nhấn mạnh:“Thứ nhất là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ra rất có kinh nghiệm này rồi. Bây giờ kinh tế vĩ mô mà không ổn định mà biến động rất khó phát triển. Tôi không kể cụ thể những việc phải làm nhưng xuất hiện cái mới mà tôi nhắc nhiều lần rồi. Tăng trưởng tín dụng là tốt, bất động sản ấm lên là tốt nhưng giao trách nhiệm cho Ngân hàng nhà nước phải kiểm soát không để lặp lại tình trạng bong bóng bất động sản mà vừa qua chúng ta phải xử lý rất lâu. Thứ hai là phải tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Nhà nước phải làm cơ chế, chính sách, thủ tục, điều kiện thuận lợi, thông thoáng, dể dàng để người dân và doanh nghiệp làm ăn…”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Không nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì khó đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.
Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tập trung xử lý các khó khăn, thách thức nổi lên, nhất là kịp thời hỗ trợ thiệt hại do hạn hán cũng như tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản.
Thủ tướng nêu rõ: xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ và nhập siêu tăng sẽ gây sức ép ổn định kinh tế vĩ mô càng lớn, nhất là liên quan đến tỷ giá và không có cách nào khác phải đẩy mạnh xuất khẩu gắn với kiểm soát nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu đúng theo cam kết quốc tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp thu hút mạnh lượng khách du lịch đến Việt Nam; đẩy nhanh đồng bộ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quan tâm chăm lo phát triển giáo dục, y tế, giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị hạn hán khó khăn, dứt khoát không để người dân bị đói, bị khát; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, phòng chống dịch bệnh; các địa phương cần tích cực triển khai bệnh viện vệ tinh và mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo xử lý 55 văn bản quy phạm pháp luật còn nợ đọng, đặc biệt là các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật và một số cơ chế chính sách mang tính đột phá để đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương tổ chức tốt nhất, thuận lợi nhất kỳ thi THPT quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế tạo môi trường thuận lợi cho phát triển; tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp…/.