Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 7 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo. Thế nhưng, khối lượng bị hủy lên đến gần 1 triệu tấn gạo.

Phần lớn các hợp đồng bị hủy là ký với các thương nhân Trung Quốc. Số khác là các thương nhân Philippines ký hợp đồng nhưng không có quota nhập khẩu, nên tàu không được phép cập cảng.

VFA cho biết, việc ký hợp đồng giữa các doanh nghiệp nhiều khi không có những điều khoản ràng buộc mạnh như việc đền bù, bồi thường... nên đối tác dễ dàng hủy. Để hạn chế số hợp đồng bị hủy, VFA đã khuyến nghị doanh nghiệp phải kiểm tra lại nội dung hợp đồng một cách chặt chẽ trước khi ký kết, đặc biệt với thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên VFA cũng cho biết, các hợp đồng bị hủy vừa qua không ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo.

Trước thông tin gần 1 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam bị huỷ  hợp đồng, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia đầu ngành trên thị trường lúa gạo, cho rằng: Nếu nhìn sâu hơn vào con số này, tình hình không đáng ngại lắm. Bởi vì khối lượng gạo bị hủy đó phần lớn rơi vào khách hàng Trung Quốc. Chắc chắn nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm nay sẽ lớn hơn năm 2012. Trong bối cảnh này, Trung Quốc không thể nhập từ các nguồn khác với giá cạnh tranh hơn so với chúng ta.

Về tình trạng hủy hợp đồng này, ông Bích cho biết nó bắt nguồn từ trạng thái giá cả trên thị trường. Những ngày gần đây từ giữa tháng 7 trở lại đây, các ngoanh nghiệp Việt hủy hợp đồng ký với các doanh nghiệp Trung Quốc. Còn trước đó, các doanh nghiệp Trung Quốc chủ động hủy hợp đồng gạo nhập khẩu từ Việt Nam./.