Thu, chi ngân sách đều chậm

Thông tin tại cuộc họp báo chiều 11/10, Bộ Tài chính cho biết, bội chi ngân sách trung ương khoảng 69% dự toán.

Cụ thể, về thu ngân sách, lũy kế thu 9 tháng qua đạt 843.000 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán năm, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Còn chi ngân sách 9 tháng đạt 904.600 tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán năm, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

bo_tai_chinh_hop_bao_quy_3_vov_stgb.jpg
Cuộc họp báo Quý 3 của Bộ Tài chính diễn ra ở Trụ sở của Bộ, tại Hà Nội (Ảnh: Phương Anh)

Đóng góp vào mức thu chung, Bộ Tài chính cho biết, thu nội địa đạt 663.700 tỷ đồng, bằng 67% dự toán năm, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016. Thu từ dầu thô tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 34.000 tỷ đồng. Đồng thời, sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 142.600 tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán năm, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2016. 

Báo cáo đánh giá chi tiêu công của Việt Nam mới được Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam phối hợp nghiên cứu và công bố, có đánh giá cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay.
Như vậy, bội chi ngân sách khoảng 61.600 tỷ đồng. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), bội chi ngân sách nhà nước tiếp tục duy trì ở mức thấp trong 3 quý đầu năm 2017. Mức bội chi tính đến cuối Quý 3 thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (2015: 136 nghìn tỷ; 2016: 154,2 nghìn tỷ). Tuy nhiên, tiến độ thu, chi ngân sách trong năm nay còn chậm so với cùng kỳ các năm trước.

Còn Bộ Tài chính đánh giá, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán năm và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính có 43/63 địa phương thu đạt trên 72% dự toán năm và 58/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, 5 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Thận trọng khi tăng thuế VAT

Điểm rất đáng lưu ý trong cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng qua là công tác phát hành trái phiếu Chính phủ đạt kết quả cao, nhưng giải ngân nguồn vốn này rất ít, thậm chí có thể nói èo uột trong bối cảnh nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển luôn được đặt ra là cấp thiết. 

“Chi đầu tư công tiếp tục chỉ chiếm tỷ trọng tương đối khiêm tốn so với chi thường xuyên và trả lãi và nợ gốc trong tổng chi NSNN. Thực tế này cho thấy Việt Nam có ít khả năng cải thiện năng suất toàn xã hội trong trung hạn, và đa phần thành quả kinh tế phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.”- TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến hết ngày 30/9/2017, đã phát hành được 148.179,7 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bằng 80,8% kế hoạch giao năm 2017. Nhưng vốn trái phiếu Chính phủ được giải ngân đến nay chỉ đạt khoảng 3.500 tỷ đồng, bằng 7% dự toán năm.

Bên cạnh đó, lũy kế 9 tháng chi đầu tư phát triển chỉ đạt 166,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán năm, tăng 4,1% cùng kỳ năm 2016. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước cũng suy giảm, hiện ước mới đạt 53,1% dự toán năm, trong khi đó cùng kỳ năm 2016 đạt 56% dự toán. 

Theo VEPR, trong bối cảnh tiến độ thưc hiện giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm, ngày 3/8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhằm mục tiêu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng, vừa giảm tình trạng sử dụng lãng phí và kém hiệu quả vốn đầu tư công hiện nay.

Một điểm quan trọng nữa của cân đối ngân sách 9 tháng qua, ngân sách nhà nước đã chi trả nợ và viện trợ đạt 75,35 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán năm, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2016. Chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng khi 9 tháng đạt 659,25 nghìn tỷ đồng, bằng 73,6% dự toán năm, tăng 7% so cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, theo VEPR, phần lớn tổng chi (khoảng 73%) là dành cho chi thường xuyên với 623.000 tỷ đồng, đạt 69,5% so với dự toán. Tốc độ tăng chi thường xuyên thậm chí còn có xu hướng gia tăng về mặt danh nghĩa (2015: 7,3%, 2016: 5,8%, 2017: 8.5%). Đồng thời, chi trả nợ gốc và lãi lần lượt đạt 128 và 72,4 nghìn tỷ đồng, tương ứng đạt 78,1% và 73,2% dự toán.

"Thực trạng này tiếp tục cho thấy sự thiếu cân bằng và bất hợp lý của tổng chi khi nguồn lực cho tăng trưởng dài hạn như đầu tư công bị hạn chế tương đối so với việc phục vụ nhu cầu ngắn hạn như chi thường xuyên và trả nợ"- VEPR đánh giá.

Theo khuyến nghị của VEPR, với tình trạng bội chi NSNN dai dẳng trong thời gian qua, cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả chi tiêu công, củng cố nguồn thu NSNN cũng là giải pháp cần chú trọng. Ví dụ, tăng thuế VAT giúp cải thiện nguồn thu trong ngắn hạn nhưng lại tăng gánh nặng lên nền kinh tế, giảm hiệu quả và động lực chung, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng và do đó là cơ sở nguồn thu. Do đó, cần thận trọng khi dùng giải pháp tăng VAT./.