Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam có thể tăng thêm từ 10% đến 15% so với hiện nay khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu được ký kết. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thị trường Liên minh Châu Âu- Cơ hội và thách thức mới, nhu cầu từ một số thị trường tiêu biểu” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay 24/9, tại Hà Nội. Tin của phóng viên Việt Hà:
Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng trưởng. Riêng năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 21 tỷ Euro, nhập khẩu chỉ trên 5 tỷ Euro. Như vậy, xuất siêu tới 16 tỷ Euro.
Theo bà Maylis Labayle, Giám đốc chính sách thương mại của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm), khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu được ký kết có thể sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Châu Âu tăng từ 30-40% và nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu vào Việt Nam tăng từ 20-25%. Đây còn là cơ hội chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ về về đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.
Bà Maylis Labayle nói: “Một trong những điểm mạnh và là lợi thế cạnh tranh hiện nay của hàng Việt Nam là giá thấp hơn, nhưng khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực thì giá lại không quan trọng nữa mà chất lượng hàng hoá sẽ quan trọng hơn. Khi hiệp định này được ký kết, điểm đáng chú ý là chuyển giao kỹ năng và công nghệ cũng sẽ tăng lên giữa Việt Nam và EU, sẽ giúp hàng hóa Việt Nam ổn định về chất lượng và đạt các tiêu chuẩn cao, từ đó giúp cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng lên.”
Bộ Công Thương cho biết, hiện chỉ có khoảng 42% mặt hàng của Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh Châu Âu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu đang trong quá trình đàm phán và dự kiến được ký kết vào cuối năm nay.
Theo đó, ước tính có khoảng 90 dòng thuế áp dụng cho các sản phẩm từ Việt Nam và Liên minh Châu Âu sẽ được giảm xuống ở mức rất thấp, thậm chí là 0% đối với một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Châu Âu như dệt may, da giầy, thực phẩm, nông sản, thủy sản. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tuân thủ các quy định tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, hướng đến mở rộng các cơ hội thâm nhập vào thị trường này./.