Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin (Ảnh minh họa: KT) |
Tạp chí uy tín này nhấn mạnh: Một đất nước dù nhỏ nhưng được biết đến như cường quốc gia công CNTT tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương chính là Việt Nam. Rất ít người nghĩ rằng Việt Nam có thể có được vị trí như Thung lũng Silicon (Silicon Valley) của Mỹ, thế nhưng Việt Nam có một tinh thần công nghệ và lực lượng lao động có trình độ không khỏi khiến người ta nghĩ về nhiều câu chuyện khởi đầu trong ngành công nghệ Mỹ trước đây.
Lịch sử ngành gia công CNTT Việt Nam
Ngành gia công CNTT tại Việt Nam còn khá non trẻ. Hơn một thập kỷ trước đây, một số công ty đa quốc gia trong đó có Intel và Oracle đã bắt đầu tiếp cận với lực lượng lao động ngành CNTT tại Việt Nam
Ngoài những chính sách mới giúp thu hút doanh nghiệp CNTT, chính phủ Việt Nam đã đầu tư nhiều vào giáo dục STEM (viết tắt của 4 chữ bao gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Kết quả, Việt Nam đã có cả một lực lượng kỹ sư công nghệ lành nghề.
Các ngành công nghệ và gia công phần mềm tại Việt Nam tăng trưởng đều đặn. Năm 2017, Việt Nam thăng hạng 5 bậc trong chỉ số dịch vụ Global Services Location Index - chỉ số đo xếp hạng dịch vụ gia công phần mềm do công ty tư vấn A.T. Kearney tính toán.
Khi các công ty lớn như Intel, IBM, Samsung Display, Nokia hay Microsoft tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, thành công của Việt Nam trong lĩnh vực gia công phần mềm không khỏi khiến Ấn Độ lo ngại.
Điểm hút đầu tư
Kinh tế Việt Nam đã thay đổi rất nhiều từ nền nông nghiệp trước đây. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, từ đó đến nay, chính phủ đã rất nỗ lực để thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, tạo cú huých cho tăng trưởng kinh tế.
Khi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, cái họ nhận thấy chính là thái độ thích nghi cao với công việc và công nghệ. Văn hóa dễ thích nghi với thay đổi đã tạo ra một lực lượng lao động CNTT lành nghề. Các kỹ sư công nghệ Việt Nam thoải mái khi trở thành một phần trong mạng lưới khách hàng toàn cầu, sẵn sàng thách thức những chuẩn mực và đưa ra những ý tưởng sáng tạo, Forbes đánh giá.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục Việt Nam cũng đang rất chú trọng đến việc đào tạo tiếng Anh - công cụ giao tiếp toàn cầu phổ biến nhất hiện nay.
Một yếu tố được cho là thuận lợi để phát triển CNTT trong bước đó là người lao động Việt Nam thường rất trung thành với công ty mà họ đang làm việc. Người lao động Việt Nam không phải chỉ đi làm kiếm tiền nuôi gia đình của chính họ mà còn phải chu cấp cho cả gia đình lớn. Chính yếu tố văn hóa này khiến cho các kỹ sư Việt Nam thường muốn làm việc gần nhà và trung thành với những công ty mà họ đang gắn bó. Trong khi tại Ấn Độ, Philippines, Malaysia, các kỹ sư sẵn sàng rời đất nước và theo đuổi cơ hội nghề nghiệp tại nước ngoài.
Cơ hội và thách thức
Việt Nam là trung tâm thuê ngoài dịch vụ kinh doanh cũng như gia công phần mềm. Theo quan điểm của tác giả Anna Frazzetto trên Forbes, những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh bao gồm: Công nghệ, dịch vụ tài chính, truyền thông, trò chơi, tích hợp phần mềm... Với chi phí hợp lý, Việt Nam phù hợp với những doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đón đầu xu thế như trí tuệ nhân tạo (AI), học tập trên máy và blockchain.
Đối với phần lớn doanh nghiệp, thách thức lớn của ngành gia công phần mềm ở Việt Nam chính là thích ứng được với đội ngũ lao động lành nghề ở xa (cách từ 5.000 - 10.000 dặm). Sự thích ứng này chỉ có thể có được thông qua hoạt động đào tạo và kết nối. Việc đào tạo một đội ngũ làm việc ở xa theo đúng cách đào tạo cho nhân viên nội bộ sẽ giúp đặt nền móng cho sự thành công, cũng đưa ra nhiều chuẩn chung cho công việc, Forbes lưu ý./.