Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trên thị trường nội địa. Cuộc vận động đã đạt được những kết quả rõ rệt khi tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt.
Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, Cuộc vận động đã có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng DN cũng như người tiêu dùng Việt Nam. Thông qua Cuộc vận động, các DN sản xuất sẽ tự tin hơn trong việc mở rộng phát triển sản xuất bởi vì đứng sau họ là cả một cộng đồng, cả một xã hội ủng hộ sản phẩm, từ đó các DN sẽ có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được những thành tích nổi bật trong công tác xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã tăng lên tới trên 36 tỷ USD, đứng vào nhóm 2 nước dẫn đầu thế giới về quy mô xuất khẩu.
Tỷ lệ hàng Việt tại các trung tâm phân phối truyền thống đã chiếm trên 60% |
Tuy nhiên khi chia sẻ những khó khăn của Tập đoàn trong việc phát triển sản phẩm tại thị trường nội địa, ông Trường nhận thấy còn khó khăn hơn phát triển thị trường xuất khẩu. Bởi muốn làm được điều này, DN phải trả lời 3 câu hỏi đó là bán ra thị trường với thương hiệu nào? Thiết kế ra sao và quy mô bao nhiêu, màu sắc cũng như kiểu dáng… Thứ hai là DN sẽ phân phối sản phẩm ở đâu và thứ ba là nguồn tài chính cho việc phát triển thị trường nội địa.
“Nếu làm hàng xuất khẩu chỉ trong vòng 90 ngày là tiền đầu tư sẽ quay trở về DN, trong khi để phát triển thị trường nội địa, DN từ lúc chuẩn bị thiết kế, lựa chọn sản phẩm và cung cấp ra thị trường đòi hỏi thời gian tối thiểu trên 12 tháng. 3 thách thức này dồn vào vai 95% DN Việt Nam là những DN vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế sẽ vô cùng khó khăn, nếu không có các bước tính toán thật phù hợp với năng lực của mình, nhiều DN rất khó tồn tại được trên thị trường”, ông Trường cho biết.
Mặc dù biết có nhiều khó khăn, song Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may vẫn nhìn thấy nhiều thuận lợi khách quan khi DN muốn đưa hàng Việt tiếp cận thị trường nội địa. Trong đó, thuận lợi căn bản chính là sức ảnh hưởng tích cực của Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Cuộc vận động đã tạo ra không khí hết sức tích cực, giúp người tiêu dùng ưu tiên tìm kiếm, mua sắm hàng hóa Việt.
Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, hệ thống phân phối trong nước với hàng loạt siêu thị thương mại phát triển rất nhanh chóng, trong bối cảnh tăng trưởng GDP của cả nước đồng đều và ở mức cao, thu nhập trung bình trong nhân dân đã khá lên làm tăng sức cầu.
Và để giải quyết bài toán phát triển hàng Việt tại thị trường nội địa, ông Trường cho biết, trong 10 năm qua, Tập đoàn đã tập trung tăng cường thiết kế và đưa ra những mẫu mã phù hợp với người Việt mà trọng tâm là số đo, tầm vóc cũng như thị hiếu của người Việt. Trong đó, các doanh nghiệp đã liên kết, phối hợp với nhau để mỗi đơn vị sản xuất một chủng loại mặt hàng, tránh tình trạng sản xuất tràn lan gây khó khăn về quy mô tiêu thụ.
“DN đã có cách tiếp cận chuyên sâu hơn cho các thị trường ngách và giải quyết được tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa liên tục trong 10 năm là trên 10%. Hàng dệt may Việt Nam tại các trung tâm mua sắm, các đô thị lớn luôn chiếm thị phần trên 70% và nếu tính thị phần trong khu vực hàng hóa tiêu dùng, sản phẩm dệt may đã chiếm xấp xỉ 100%”, ông Trường cho biết.
Là một doanh nghiệp nước ngoài nhưng thời gian qua đã nỗ lực đưa hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là góp phần kết nối nông sản các vùng miền, đưa sản phẩm nông sản Việt ra nước ngoài. Tập đoàn Central Group mà điểm nhấn là chuỗi siêu thị BigC đã nỗ lực tham gia Cuộc vận động và riêng tại BigC, tỷ lệ hàng hóa thực phẩm Việt đã chiếm tỷ lệ trên 97%.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc BigC Việt Nam chia sẻ, để có kết quả này, BigC thu mua hàng hóa của các hộ nông dân và các HTX với mức chiết khấu cao. Bên cạnh đó, BigC luôn đồng hành với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ họ trong việc tiếp cận với nguồn vốn, phát triển sản phẩm cùng các chính sách maketing, sau đó mang những sản phẩm vào bán tại siêu thị của mình.
“BigC thường xuyên tổ chức tuần hàng nông sản và đặc sản Việt Nam. Qua đây có thể thấy, chất lượng cũng như giá trị của hàng hóa nông sản Việt Nam rất tốt, nhưng làm thế nào để quảng bá được nông sản của Việt Nam đển với khách hàng cũng như đến với thị trường là những điều BigC cần cố gắng hơn nữa”, bà Phương mong muốn.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả rõ rệt khi tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Cuộc vận động cũng đã khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) khẳng định, qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động đã giúp Saigon Co.op gần gũi hơn với các nhà cung ứng và sản xuất Việt Nam, đưa sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn để phục vụ đông đảo khách hàng tại thị trường trong nước, đưa hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường nước ngoài.
“Bản thân Saigon Co,op đã tạo nên nhiều sân chơi khác nhau cho hàng Việt bằng việc đa dạng hóa các mô hình kinh doanh, tạo ra những phân khúc riêng cho hàng Việt để mỗi DN cung ứng có thế mạnh tự chọn cho mình một sân chơi phù hợp”, ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, việc đồng hành và hợp tác với các nhà cung cấp hàng Việt trong khuôn khổ Cuộc vận động thông qua các hoạt động bình ổn thị trường; bình ổn giá; đưa hàng Việt về nông thôn là những điều tâm huyết của Saigon Co.op đã thực hiện trên 10 năm qua, góp phần làm cho người Việt có cái nhìn khác hơn về hàng Việt./.
Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ 60% tại các kênh bán lẻ nội địa truyền thống