Sáng 20/4, TP HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân dự và phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, TP HCM có Chương trình bình ổn thị trường với 100% hàng hóa thuộc 4 nhóm hàng: Lương thực - thực phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu đều là hàng sản xuất trong nước.

Chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định thị trường, đưa hàng Việt từng bước đến với người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và liên tục phát triển vững chắc từ nhiều năm qua.

vov_nhan_vdcs.jpg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng.

Các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào cuộc vận động này và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cụ thể, Liên đoàn lao động thành phố tổ chức các chương trình hỗ trợ, giảm giá hàng Việt Nam chất lượng cao; phối hợp trưng bày và bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” với giá ưu đãi; đưa hàng bình ổn phục vụ cho cho công nhân, viên chức, lao động với giá thấp hơn thị trường từ 20 đến 50%. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố xây dựng 62 cửa hàng, đưa hàng Việt đến với vùng sâu, vùng xa và 9 điểm bán hàng thiêt yếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hội Nông dân thành phố phối hợp với các sở ngành ký kết 82 hợp đồng với giá trị 14,2 tỷ đồng giúp nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP HCM cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ có ý nghĩa về mặt thị trường, kinh tế mà vì lòng yêu nước. Mua hàng Việt Nam chính là trả thu nhập cho người Việt, là thương người Việt.

Mặt khác, doanh nghiệp phải cố gắng làm ăn theo nguyên tắc thị trường. Vận động người tiêu dùng mua hàng Việt tức là gây “sức ép” cho nhà sản xuất để ngày càng nâng cao chất lượng tốt hơn. Chính sự cộng hưởng này làm cho kinh tế phát triển, và đặt lòng yêu nước vào đúng chỗ.

“Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chính là làm cho đất nước phát triển, tiêu dùng hàng hóa với thái độ xây dựng, có lựa chọn. Ngoài việc vận động bằng miệng thì tuyên truyền trên mạng cũng rất quan trọng. Thời gian tới cần tăng cường truyền thông trên mạng, nói lên giá trị của hàng Việt Nam, sự ghi nhận của người tiêu dùng với hàng Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.