Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại khu đất thuộc Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa (cũ), ở số 1 Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang. Công an tỉnh Khánh Hòa cũng đang xem xét khởi tố các đối tượng liên quan. Được biết, khu đất này rộng gần 7.400m2, có 2 mặt tiền đường lớn, nằm gần biển, đối diện với Trụ sở Tỉnh ủy Khánh Hòa, được xem là “đất vàng” ở thành phố này.
Trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng BT (xây dựng- chuyển giao) với Công ty Cổ phần Thanh Yến để xây dựng cơ sở mới của Trường Chính trị. Tại khu đất cũ, chủ đầu tư đã xây dựng tổ hợp khách sạn- chung cư gồm 2 tòa nhà, cao 40 tầng. Việc thực hiện dự án này có nhiều sai phạm như giao đất không đúng quy hoạch, không qua đấu thầu, đấu giá. Dư luận bức xúc khi tỉnh Khánh Hòa đổi một khu đất ở nội thành nhưng lại không đủ tiền để xây dựng cơ sở mới của Trường chính trị, sau đó, phải giao thêm khu đất khác để thực hiện BT khu ký túc xá.
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, những việc gây ra thất thoát liên quan đến các khu đất công ở trung tâm thành phố Nha Trang đã được các thế hệ lãnh đạo của tỉnh góp ý, phản đối nhưng các cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh giai đoạn 2011-2019 không tiếp thu. Vì thế, nhiều khu “đất vàng” đã đội nón ra đi với mức giá khó chấp nhận.
“Cái đó cũng rõ ràng rồi, giống như các trường hợp khác. Họp thường vụ các nhiệm kỳ cũng đã nói rồi, đất ở nội thành bao giờ cũng giátrị cao hơn mấy lần đất ngoại thành, nhất là ở ngay đường Trần Phú. Giá trị cũng rất cao, khi chuyển ra ngoại thành mà xây không đủ thì đó là một vấn đề khó hiểu”, ông Phạm Văn Chi nói.
Ngoài vụ án tại dự án BT Trường Chính trị vừa được Bộ Công an chuyển về Công an tỉnh Khánh Hòa xử lý còn có 9 dự án khác. Có những dự án liên quan các khu đất ven biển như tại 28E đường Trần Phú, rộng hơn 20.000 m2, được giao cho doanh nghiệp với giá chưa đến 76 tỉ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2020, từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2017, tại tỉnh Khánh Hòa có 35 dự án sai phạm. Trong đó, rất nhiều dự án có đất nằm ở những khu vực trung tâm thành phố Nha Trang, vị trí đắc địa và phần lớn đều sử dụng đất công không thông qua đấu giá với nhiều hình thức khác nhau.
Cũng trong giai đoạn đó, thông qua cổ phần hóa, liên doanh, liên kết, nhiều khu đất do các doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng như Công ty Du lịch Khánh Hòa; Tổng Công ty Khánh Việt… đã được giao cho các doanh nghiệp tư nhân làm dự án, như dự án Starcity ở số 72- 74 Trần Phú; Mường Thanh Nha Trang, ở số 60 Trần Phú; Chung cư 25- 26 Nguyễn Đình Chiểu của Công ty TNHH Cat Tiger Khareal…
Ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2011-2016, người đã bị cách hết chức vụ cho biết, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông đã thừa nhận sai phạm của mình. Ông Thắng phân trần, vì muốn phát triển kinh tế địa phương, thu nhiều ngân sách và tạo nhiều công ăn việc làm nên đã "tháo gỡ” khó khăn cho doanh nghiệp.
“Sai sót đó, không xuất phát từ động cơ cá nhân. Lúc đó, phải kêu gọi để tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh hơn, để kinh tế tỉnh nhà phát triển, thu ngân sách, lớn hơn là tạo công ăn, việc làm cho người dân. Lúc đó, ngân sách mình kém, lấy đâu để đầu tư phát triển”, ông Nguyễn ChiếnThắng chia sẻ.
Vừa qua, ngoài Kết luận về sai phạm tại 35 dự án nhà, đất công ở tỉnh Khánh Hoà, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có Kết luận nêu rõ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế- xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.
Các ông Nguyễn Chiến Thắng, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã bị cách hết chức vụ. Đến nay, qua rà soát, có 18 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có sai phạm; Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thi hành kỷ luật 11 cán bộ lãnh đạo.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Tổ công tác của tỉnh cũng đang khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư để thu hồi tài sản thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
“Vấn đề quan trọng nhất là giá cả thị trường, định giá trở lại, các nhà đầu tư phải cùng với tỉnh để đóng góp một phần. Đối với những dự án mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra có thất thoát về mặt tài sản thì 2 bên phải tính toán trở lại, điểm đầu của mảnh đất này, với giá trị sau khi nhà đầu tư đã bỏ tiền vào để hoàn thành cơ sở hạ tầng”, ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay./.